Mỗi lần nhiễm bệnh là một lần bạn đặt mình vào nhiều mối nguy. Vì vậy, tốt nhất vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm, đừng mang tâm lý “nhiễm sớm khỏi sớm”.
Thời gian gần đây, do số lượng F0 tăng nhanh nhiều F1 có suy nghĩ đằng nào cũng mắc bệnh và tình nguyện mắc bệnh bằng cách không cách ly với người thân đang là F0. Nhiều người còn mong mắc sớm khỏi sớm, đặc biệt là người trẻ tuổi, đã tiêm vắc xin. Họ cho rằng bản thân có nhiễm thì cũng không có nguy cơ diễn tiến nặng.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng quan điểm đằng nào cũng mắc bệnh của một số F1 hiện nay là suy nghĩ sai lầm. Nó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Bác sĩ Thiệu phân tích, về nguyên tắc, một thành viên trong gia đình là F0 không có nghĩa những người còn lại cũng mắc bệnh. Tại thời điểm người đầu tiên mới bị lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng, nếu nồng độ virus trong cơ thể họ còn thấp và được cách ly kịp thời thì nguy cơ lây lan cho các thành viên còn lại trong nhà sẽ thấp. Ngoài ra, do hệ miễn dịch của mỗi người khác nhau nên cùng tiếp xúc với F0 nhưng có người bị bệnh, có người lại không bị.
Như vậy, nếu chúng ta có ý thức phòng tránh lây nhiễm thì dù phải cách ly cùng F0 trong một nhà, F1 vẫn có khả năng tránh được nguy cơ mắc bệnh. Nếu giữ tâm lý “nhiễm sớm khỏi sớm”, chính F1 đang đặt bản thân vào rủi ro trở thành F0.
Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh, mỗi lần nhiễm bệnh là một lần bạn phải đối mặt với các nguy cơ suy hô hấp, không qua khỏi do bệnh tật.
Một số người cho rằng mình đã tiêm đủ liều vắc xin, không có bệnh lý nền thì tiên lượng thường nhẹ và không cần lo lắng. Điều này đúng nhưng vẫn không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ bện diễn tiến nặng. Cố tình nhiễm bệnh là tự đặt cược sức khỏe của bản thân vào nguy hiểm.
Nếu gia đình có những người chưa nhiễm bệnh thì việc F0 cùng cả nhà sinh hoạt thoải mái sẽ đưa tất cả những người chưa nhiễm vào nguy hiểm. Theo bác sĩ Thiệu: “Càng nhiều người nhiễm thì càng tăng tỷ lệ có người diễn tiến nặng”.
Bác sĩ cho rằng chúng ta cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Nếu không có lợi ích thì không nên làm và không nên mạo hiểm dù chỉ một chút.
Ngoài ra, bác sĩ cũng cho biết việc nhiễm Covid-19 còn liên quan tới vấn đề sức khỏe hậu Covid-19. Hiện nay, các nghiên cứu, thống kê cho thấy không chỉ các trường hợp bệnh nặng mà ngay có người bệnh nhẹ, không triệu chứng vẫn có thể gặp tình trạng hậu Covid-19 sau khi khỏi bệnh.
Hậu Covid-19 có thể gây ra các tổn thương đa cơ quan (bao gồm hệ tim mạch, thần kinh, hô hấp, cơ xương khớp, tai, mắt…). Nếu có tình mắc bệnh, người dân sẽ đặt sức khỏe của bản thân vào nhiều mối nguy hơn.
Trên phương diện cộng đồng, chuyện nhiễm sớm khỏi sớm hay nhiễm rồi sẽ an tâm ra đường hơn là không có cơ sở bởi đã có rất nhiều trường hợp tái nhiễm chỉ sau 1-2 tháng, thậm chí ngăn hơn.
Hiện nay, virus SARS-CoV-2 có rất nhiều biến chủng. Bệnh nhân đã mắc chủng này vẫn có thể nhiễm thêm chủng khác. Nguyên nhân là do giữa các chủng virus không có miễn dịch chéo cho nhau, miễn dịch được tạo ra bởi chủng trước không thể ngăn chặn chủng sau. Như vậy, một người đã từng nhiễm chủng Delta thì khi khỏi bệnh vẫn có khả năng nhiễm Omicron và ngược lại.
Ngoài ra, sau Omircon, có thể xuất hiện những biến chủng mới xâm nhập vào nước ta. Giữa các chủng có thể có sự giao thoa hoặc xuất hiện các chủng đột biến mới chưa được phát hiện… Vì vậy, người đã nhiễm và khỏi bệnh không có nghĩa là an toàn, tránh được khả năng bị nhiễm lại.
Vì vậy, bác sĩ đưa ra khuyến cáo, trường hợp gia đình có người là F0 thì F1 cần phải tuân thủ đầy đủ 5K và các hướng dẫn phòng chống lây nhiễm khác để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.