Nhiều người có chung thắc mắc, F0 bị nhẹ hay nặng thì dễ bị tái nhiễm lần sau hơn. Vấn đề này đã được các chuyên gia giải đáp.

F0 nhiễm bệnh lần đầu không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể không tạo ra kháng thể đủ mạnh để ngăn chặn tái nhiễm.

Theo một báo cáo mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, một số người trong một viện dưỡng lão ở Kentucky (Mỹ) đã bị tái nhiễm Covid-19.

Báo cáo cho biết nhóm người này có độ tuổi từ 67 đến 99, đã xét nghiệm dương tính với Covid-19 trong 2 đợt bùng phát dịch riêng biệt cách nhau 3 tháng.

Điều đáng chú ý là CDC Mỹ cho biết người nhiễm Covid-19 lần đầu không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ có thể đã không tạo ra kháng thể đủ mạnh để chống lại tái nhiễm.

7

Các chuyên gia cho biết, thông thường, các trường hợp tái nhiễm có triệu chứng nhẹ hơn so với nhiễm Covid-19 lần đầu, bất kể biến thể nào.

Tuy nhiên, vẫn có số ít người tái nhiễm có thể gặp các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là người có hệ miễn dịch suy yếu.

Các chuyên gia cho biết F0 khỏi bệnh thường sẽ có kháng thể bảo vệ trong khoảng từ 3 – 6 tháng. Khả năng bảo vệ này không thể đoán trước, thường những người nhiễm Covid-19 lần đầu nghiêm trọng sẽ có khả năng chống tái nhiễm cao hơn, theo US News.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, việc tái nhiễm Covid trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau.

‘Với những người chưa tiêm vắc xin, hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm Covid hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng’, bác sĩ Khanh cho biết.