Mới đây, Bộ Y tế đã chốt 2 loại vắc xin sẽ được tiêm cho trẻ thuộc nhóm từ 5-11 tuổi.

2 loại vắc-xin được sử dụng cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

2 loại vắc-xin được sử dụng cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vắc-xin Covid-19 Moderna và Pfizer. Với nhóm trẻ này, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vắc-xin, không tiêm trộn vắc-xin.

Chiều 31-3, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tập huấn tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hội nghị kết nối đến 700 điểm cầu trên toàn quốc.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đến nay cả nước đã tiêm trên 206 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó tỉ lệ tiêm mũi 1 với nhóm trên 18 tuổi là 100%; mũi 2 là 99%; đối với trẻ từ 12-17 tuổi, hiện tỉ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 tương ứng là 99% và 94%.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đối với nhóm đối tượng trên 18 tuổi, việc tiêm liều nhắc lại đã được Bộ Y tế triển khai từ tháng 12-2021, hiện khoảng trên 50% người đã tiêm liều nhắc lại. Riêng nhóm đối tượng nguy cơ, khoảng 64% người từ 18 tuổi trở lên có yếu tố nguy cơ đã được tiêm liều bổ sung.

Về tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 14 về việc mua vắc-xin để tiêm cho nhóm trẻ này. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ quan làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước; các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đảm bảo tiêm chủng phải an toàn.

“Dù trẻ ở lứa tuổi này mắc Covid-19 phần lớn đều nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng khi các cháu ốm, phụ huynh cũng phải nghỉ chăm sóc, các cháu liên quan cũng phải nghỉ để tiếp tục học trực tuyến… tạo gánh nặng lên xã hội. Ngoài ra, các biến chứng khi mắc Covid-19 ở nhóm này thông qua báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu số liệu quốc tế cũng như trong nước cho thấy cũng có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của các cháu, dù không nhiều nhưng cũng là đáng lo ngại là biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là biến chứng hệ thống khám chữa bệnh đã ghi nhận…”- ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thời gian qua Bộ Y tế đã họp Hội đồng tư vấn sử dụng vắc-xin về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tham vấn các ý kiến của WHO về khuyến cáo chính thức cho Việt Nam về tiêm chủng cho trẻ trong lứa tuổi này; Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân về việc tiêm cho trẻ…

Để chuẩn bị tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc tiêm vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi này, đồng thời đề nghị địa phương, đơn vị khẩn trương sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể đưa vắc-xin vào sử dụng ngay sau khi tiếp nhận vắc-xin.

“Bộ Y tế xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ em được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội”- Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.

5

Không tiêm trộn 2 loại vắc-xin cho trẻ

Tại hội nghị tập huấn, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết đầu tháng 4-2022, ngay sau khi vắc-xin Covid-19 được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố cả nước sẽ triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi .

Theo đó, vắc-xin Pfizer chỉ định cho người 5 đến dưới 12 tuổi. Liều lượng đường dùng: tiêm bắp, liều tiêm 0,2 ml. Lịch tiêm: 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Vắc-xin Spikevax (Moderna Covid-19 vắc-xin) được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6 – dưới 12 tuổi cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 . Tiêm liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25 ml), giống như tiêm vắc-xin cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Cũng theo bà Hồng, về phương thức triển khai, Bộ Y tế yêu cầu chiến dịch tiêm chủng diễn ra tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.

“Triển khai trước cho nhóm tuổi lớn, từ 11 tuổi, tức trẻ học lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc-xin được cung ứng”- PGS Hồng nhấn mạnh.

Về phản ứng sau tiêm chủng, bà Hồng cho biết theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5 đến dưới 12 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn, tuy nhiên, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan. Trong 3 ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24 giờ, tránh vận động mạnh.