Đối với ngày Tết Hàn thực, chủ yếu là đồ ăn nguội và lễ vật dâng cúng cần thanh tịnh, nhẹ nhàng để tưởng nhớ Gia tiên. Tuy vậy, mâm cúng Tết Hàn thực vẫn không thể thiếu được những thứ sau.

1 – Mâm cúng Tết Hàn thực

Mâm cúng Tết Hàn thực không thể thiếu được bánh trôi, bánh chay. Số lượng phù hợp nhất để dâng cúng là 3 hoặc 5 đĩa (bát) bánh trôi, bánh chay.

Bánh trôi được làm bằng bột nếp, loại nếp cái hoa vàng. Bột được nhào nặn với nước, dẻo mà không quá dính.

Đường làm nhân bánh trôi là đường phên khối vuông nhỏ, sắc cạnh, giòn và rắn đanh. Đường có vị thơm mát đặc trưng. Nặn bánh xong được thả vào nồi nước sôi. Khi nào bánh “ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh” thì được. Vớt bánh ra và ngâm trong nước lạnh cho săn trở lại. Sau đó, bày ra đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm chút vừng trắng đã rang chín lên trên để tạo hình thêm đẹp.

Lưu ý: Số lượng bánh trôi bánh chay trong đĩa cũng cần đặt các viên bánh lẻ như 5, 7, 9,..

Ngoài bánh trôi, bánh chay truyền thống màu trắng, nhiều gia đình cũng thực hiện làm bánh trôi Ngũ sắc đại diện cho đầy đủ Ngũ hành.

tet-han-thuc3

Trái cây và hoa tươi cũng là phần không thể thiếu trong mâm lễ dâng cúng ngày Tết Hàn thực. Hoa quả tươi thường được chọn 5 loại quả theo mùa để có hương vị tươi ngon nhất.

Gia chủ chọn 5 loại quả có đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,… đại diện cho Ngũ hành để dâng cúng tổ tiên thể hiện tấm lòng của mình, đồng thời mong ước những điều tốt lành trong ngày lễ đồ nguội.

Hiện nay, các mâm lễ hoa quả được bày biện rất đẹp và chu đáo. Các loại hoa quả có thể dùng dâng cúng như hoa sen, hoa cúc, phật thủ, táo,…

Lễ cúng Tết Hàn thực cũng cần có ly nước sạch thanh tịnh. Theo quan niệm dân gian, ly nước sạch đại diện cho sự tinh khiết, cho chân tâm thành kính của gia chủ. Kể cả không phải ngày lễ thì ly nước sạch trên bàn thờ vẫn nên được thay thường xuyên.

Ngoài ra, ly nước sạch để dâng lên bàn thờ thể hiện sự thanh tịnh của đồ cúng chay. Không nên thay thế nước sạch bằng bia rượu hay nước ngọt các loại.

2 – Ý nghĩa tục ăn bánh trôi bánh chay trong Tết Hàn Thực của người Việt

Trong ngày 3 tháng 3 Âm lịch, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành, hướng về cội nguồn.

Bánh trôi, bánh chay của người Việt cũng không giống với người dân Trung Quốc mà mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam. Người Việt Nam cũng quen gọi ngày Tết này với cái tên dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay nhiều hơn Tết Hàn Thực.

Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là kết tinh của văn hóa Việt, thấm đẫm linh hồn, bản sắc của người Việt.

tet-han-thuc2

Cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, là thành quả lao động vất vả dâng lên ông bà tổ tiên, là hình ảnh thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam cùng với các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy,…

Đặc biệt, hình ảnh những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, trắng bóc xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn mang hàm ý tưởng nhớ tới sự tích “mẹ Âu Cơ cùng bọc trăm trứng”.

Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở thành 50 người con theo Âu Cơ lên rừng, bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng trở thành 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no. Chính vì vậy người dân Việt mới sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Hàn Thực.

Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn Thực đã được Việt hóa, gắn liền với nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Nhiều người con xa quê, xa nhà vẫn đang duy trì phong tục làm bánh trôi, bánh chay cúng lễ tốt đẹp này tại xứ người để gợi nhớ cho họ về sự bình dị, dân dã, hương vị quê hương đặc trưng thân thuộc.

Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp được cho bạn những thông tin hữu ích về ngày Tết Hàn Thực và ý nghĩa linh thiêng của nó trong văn hóa Việt Nam. Chúc bạn có một ngày lễ Hàn Thực ấm áp, sum họp đầm ấm bên người thân, gia đình!