Phần lớn mọi người đều cho rằng giường ngủ là nơi sạch nhất trong nhà. Tuy nhiên, sự thật thì giường ngủ nếu không được vệ sinh thường xuyên sẽ rất bẩn.
Các loại vi khuẩn gây bệnh
PGS.TS Nguyễn Đức Hoàng (GĐ Trung tâm Khoa học và Công nghệ sinh học, ĐH Khoa học tự nhiên) cho biết: Khi tiếp xúc với chăn, ga, gối, nệm cơ thể thường để lại mồ hôi, chất bài tiết qua da, tế bào chết, vi khuẩn từ da, tóc… Bên cạnh đó còn có các bào tử vi sinh vật tồn tại trong không khí cũng có thể rơi lên giường.
Khi chăn, ga, gối, nệm nhiễm mồ hôi, dịch tiết… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Ở tuần đầu tiên, trên gối xuất hiện 1,5 triệu tế bào vi khuẩn trên mỗi cm2. Sang tới tuần thứ 4, con số này tăng lên đến 5 triệu tế bào/cm2.
Theo nghiên cứu, một trong những loại vi khuẩn xuất hiện nhiều nhất trên giường ngủ là Staphylococcus. Bình thường loại vi khuẩn này không gây hại nhưng có một số chủng lại có thể gây bệnh, chẳng hạn như chủng Staphylococcus aureus.
Chủng này xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết thương hở sau đó có thể gây nhiễm trùng da, xâm nhập vào đường hô hấp và có thể gây viêm phổi. Ngoài ra, nếu tiếp xúc với mụn trứng cá, vi khuẩn sẽ khiến mụn sưng tấy lên.
Bên cạnh đó, nó còn có thể gây viêm ngực, viêm tĩnh mạch, viêm màng não, nhiễm trùng tiểu hoặc những bệnh khác như viêm xương tủy, viêm màng trong tim.
Ngoài ra, giường ngủ còn xuất hiện một loại vi khuẩn khác là E.Coli. Loại vi khuẩn này có thể gây tiêu chảy và nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhóm vi khuẩn E. coli O157:H7 có thể sản sinh độc tố Shiga gây nôn mửa, đau bụng, sốt, mệt mỏi. Nếu không nhận biết sớm và cấp cứu kịp, nó có khả năng xâm nhập vào nãm và thận rồi phá hủy bộ phận này. Cuối cùng, khiến bệnh nhân qua đời.
Virus
Các nhà khoa học cho biết, virus cúm có thể tồn tại trên vải hay khăn giấy từ 8 – 12 giờ. Vì vậy, giường ngủ hoàn toàn có thể trở thành nơi trung gian lây bệnh cúm của mọi người trong nhà.
Bọ ve, rệp
Bọ ve thường ăn da chết của chúng ta rơi ra trên giường. Bản thân bọ ve và phân của chúng có thể gây dị ứng, thậm chí là hen suyễn.
Ngoài ra, rệp cũng có thể xuất hiện trên giường ngủ, nhất là vào mùa mưa. Vết cắn của rệp gây ngứa đỏ, dị ứng, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ và sức khỏe.
Các loại nấm mốc
Một số loại nấm mốc có thể phát triển trên giường ngủ và gây bệnh cho con người. Thường gặp nhất là nấm Candida albicans. Chúng có thể gây bệnh nấm miệng, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng nấm me ở cơ quan sinh lý. Đặc biệt, Candida albicans có thể tồn tại trên vải suốt 1 tháng trời.
Một loại nấm khác là Aspergillus spp có thể phát triển trong khoang phổi bằng cách kết hợp với các bạch hầu và cục máu đông. Từ đó gây nên bệnh viêm phổi, nấm phổi, viêm xoang.
Ngoài ra còn có nấm mốc Cladosporium spp có khả năng gây dị ứng, hen suyễn và suy giảm hệ miễn dịch. Nếu không phát hiện và chữa, chúng sẽ khiến triệu chứng nghiêm trọng hơn và gây nên bệnh viêm tai, chảy máu mũi, đau khớp nhưng không sưng.