Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh về việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay thế dần thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi người dân đi khám, chữa bệnh.
Căn cước công dân (CCCD) gắn chip thay thế thẻ BHYT đi khám chữa bệnh
Tại cuộc họp mới đây về ‘làm sạch’ dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh về việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay thế dần thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi người dân đi khám, chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng, thẻ BHYT hiện nay đã đồng bộ với thẻ CCCD. Cơ quan Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chung đối với các địa phương.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh triển khai việc này, dần hướng tới tương lai, mỗi người dân chỉ có thẻ CCCD và mã số định danh. Ngành y tế sẽ không đặt ra bất kỳ mã số hay thẻ gì khác.
Đến nay, BHXH đã chia sẻ khoảng 40 triệu lượt thông tin công dân có trong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo đảm việc tra cứu thông tin về thẻ BHYT qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Theo đó, thông tin thẻ BHYT của nhiều người dân đã được tích hợp trong dữ liệu về CCCD.
Theo BHXH Việt Nam, với việc đồng bộ dữ liệu này, 40 triệu người tham gia BHYT có thể sử dụng CCCD hoặc CCCD gắn chip khi khám chữa bệnh (KCB). Hiện cả nước có hơn 12.000 cơ sở KCB đã cập nhật phần mềm, chấp nhận CCCD trong KCB BHYT mà không cần người bệnh phải xuất trình thẻ BHYT. Khi người dân đến khám bệnh, nhân viên bệnh viện sẽ kiểm tra CCCD (quét mã QR hoặc ứng dụng VNEID).
Nếu người bệnh đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì nhân viên kiểm tra, đối chiếu và tiếp đón theo quy trình KCB BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho họ biết để KCB BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chip. Trường hợp người bệnh chưa có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT hoặc chưa có CCCD, nhân viên giải thích để họ biết tình trạng thẻ BHYT trên CCCD chưa thực hiện được và tiếp đón theo quy trình KCB BHYT hiện hành.
Thí điểm rút tiền bằng CCCD gắn chip tại ATM
Bộ Công an đã thí điểm cho phép người dân rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chip tại các cây ATM của ngân hàng.
Đầu tiên, người dân chuẩn bị thẻ căn cước công dân gắn chip và đến bất kỳ cây ATM của ngân hàng đang thí điểm thực hiện rút tiền mặt bằng căn cước công dân gắn chip.
Bước 1: Người dân đưa thẻ căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM bằng cách quay mặt sau (nơi có gắn chip) và để con chip vào đầu đọc thẻ của cây ATM.
Đồng thời, hướng mặt về phía camera của ATM để tự động nhận diện khuôn mặt.
Bước 2: Hệ thống sẽ tự động kiểm tra và đối chiếu thông tin trên căn cước công dân gắn chip và thông tin đã được lưu trữ tại hệ thống ngân hàng mà người dân không cần phải nhập mật khẩu.
Bước 3: Thay vì sử dụng mật khẩu là phương thức xác nhận thông tin duy nhất như hiện nay, với việc sử dụng căn cước công dân gắn chip, cây ATM sẽ quét sinh trắc học của khách hàng và màn hình giao diện sẽ hiển thị các các xác thực như xác thực gương mặt, vân tay… để nhận diện.
Bước 4: Sau khi xác nhận đúng là chủ thẻ, cây ATM sẽ “nhả” tiền, người dân sẽ rút được tiền.
Đến thời điểm hiện tại, theo Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an) việc triển khai ứng dụng căn cước công dân chip thay thế thẻ ngân hàng đang được thực hiện thí điểm với một số ngân hàng lớn.
Trước mắt, triển khai tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ triển khai mở rộng trên toàn hệ thống.
Hiện nay, người dân có thể rút tiền từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân tại chi nhánh ngân hàng. Người dân phải mang bản chính chứng minh nhân dân đến quầy giao dịch của các ngân hàng để làm thủ tục rút tiền nếu tiền được chuyển vào chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc khi mất thẻ ATM.