Khi mất thẻ bảo hiểm y tế mà cần khám chữa bệnh, người dân có thể gặp một trong các tình huống sau.
Mất thẻ bảo hiểm y tế mà chưa kịp làm lại
Điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2019/TT-BYT quy định người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Công văn số 5823/BYT-BH ban hành ngày 02/10/2019 của Bộ Y tế cũng hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT trong trường hợp mất thẻ BHYT như sau:
Căn cứ vào điểm c, khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định trường hợp người bệnh không xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ BHYT được thanh toán trực tiếp là phù hợp với quy định của pháp luật về BHYT, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của nguời tham gia BHYT.
Như vậy, trường hợp mất thẻ BHYT mà chưa kịp làm thủ tục cấp lại hoặc chỉ phát hiện mất thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh thì người bệnh sẽ được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ phải tự thanh toán trước tiền khám chữa bệnh sau đó làm thủ tục yêu cầu Quỹ BHYT thanh toán trực tiếp.
Theo khoản 4 Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người bệnh sẽ được thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá:
– 0,15 lần mức lương cơ sở (223.500 đồng) khi điều trị ngoại trú.
– 0,5 lần mức lương cơ sở (745.000 đồng) khi điều trị nội trú.
(Mức lương cơ sở năm 2021 là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết số 128/2020/QH14)
Làm lại thẻ bảo hiểm y tế bị mất nhưng chưa đến hạn cấp
Trường hợp đã làm lại thẻ bị mất nhưng chưa đến hạn cấp, người bệnh có thể được hưởng đầy đủ quyền lợi nếu thực hiện đúng thủ tục tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Cụ thể: Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
Trong trường hợp, người bệnh chỉ cần cung cấp Giấy hẹn cấp lại thẻ BHYT theo mẫu quy định và giấy tờ chứng minh nhân thân của mình thì sẽ được coi là đúng thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Như vậy, trong cả hai trường hợp trên, người bệnh vẫn được hưởng quyền lợi về BHYT dù đã làm lại thẻ hay chưa.
Trường hợp có CCCD gắn chip có tích hợp thẻ bảo hiểm y tế
Ngoài ra, hiện nay, người dân có thẻ CCCD gắn chip đã tích hợp với thẻ BHYT có thể sử dụng CCCD khi khám chữa bệnh với các điều kiện sau:
Căn cứ theo Mục 1 và Mục 2 Công văn 931/BYT-BH năm 2022 hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp do Bộ Y tế ban hành có hiệu lực từ ngày 28/02/2022 có quy định như sau:
1. Cơ sở khám chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).
2. Đối với người bệnh đã được cấp CCCD có gắn chíp:
– Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế thì cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành; đồng thời thông tin cho người bệnh biết để đi khám chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID;
– Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT: Giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ bảo hiểm y tế trên CCCD chưa thể thực hiện được; thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh).
Đối với người bệnh chưa được cấp CCCD có gắn chíp: Các cơ sở khám chữa thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh). Trường hợp không có thẻ BHYT giấy, bệnh nhân có thể xuất trình hình ảnh thẻ BHYT qua ứng dụng VssID.
Lưu ý, trường hợp người bệnh đã từng khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp, ứng dụng VNEID thì từ lần khám chữa bệnh sau chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID.