Hầu hết những lời phàn nàn của các bậc cha mẹ thường tập trung trong việc làm sao có thể nuôi dạy những đứa trẻ ương bướng, ngang ngạnh. Những điều sau đây sẽ giúp cha mẹ “trị” con ương bướng mà không cần dùng đến đòn roi.
Nguyên nhân khiến con trở nên ương bướng
Trên thực tế, trẻ trở nên ương bướng, ngang ngạnh xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan ở đây là những nguyên nhân xuất phát từ tâm sinh lý tự nhiên của con người bên trong bé.
Theo các chuyên gia tâm lý, thái độ ngang bướng của trẻ chỉ là hiện tượng tự nhiên của con người khi muốn tự do, thể hiện sự cá tính, cũng như muốn được sống độc lập, con muốn phá bỏ những quy tắc và luật lệ của người lớn. Vì vậy, khi cha mẹ khi gặp phải tình huống con trở nên bướng bỉnh, thì đừng cảm thấy quá là bực mình “đánh” trẻ mà hãy bình tĩnh thực hiện những phương thức khéo léo để uốn nắn trẻ một cách tốt nhất.
Còn lại nguyên nhân khách quan lại là những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ như thiếu hụt tình cảm từ cha mẹ do bận bịu với công việc mà không quan tâm đến con hoặc cha mẹ quá khắc nghiệt trong việc dạy con. Những đứa trẻ này sẽ luôn muốn tìm kiếm, lôi kéo sự chú ý của cha mẹ bằng cách bướng bình hay chống đối để được thể hiện bản thân.
Ví dụ như cha mẹ nói “nín ngay không thì biết tay tao” là những câu nói kích thích tâm lý chống đối ở trẻ xem bản thân có thể làm được đến đâu. Hoặc do mọi người trong gia định quá nuông chiều từ khi còn nhỏ dẫn đến sự mè nheo vì tin rằng cha mẹ, ông bà nhất định sẽ làm cho mình và lâu dần sẽ ngày càng trở nên ương bướng. Ngoài nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, mẹ cũng cần chú ý đến những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến sinh lý ở trẻ như khi con bị ốm, mệt mỏi cũng sẽ trở nên ương bướng hơn khi cơ thể khỏe mạnh.
Cha mẹ nên làm gì khi con trở nên ương bướng?
– Kiềm chế cảm xúc tiêu cực: Khi con trở nên ương bướng, thay vì nóng giận, cha mẹ càng giữ bình tĩnh, nét mặt bình thản càng dễ dàng ngăn chặn sự bướng bỉnh ở trẻ. Hãy nói cho con nghe cảm xúc của mình hiện tại với khuôn mặt thất vọng nhưng vẫn tin tưởng những sự thay đổi tiến bộ từ con, sẽ giúp con hiểu cha mẹ hơn, cảm nhận được sự quan trọng của bản thân mà trở nên ngoan ngoãn hơn.
– Cho con cơ hội được nói: khi con phạm lỗi hay có những hành vi không tốt thể hiện sự bướng bỉnh, thì cha mẹ nên hỏi con một cách nhẹ nhàng để con dễ dàng bộc lộ tâm tư của mình hơn. Nghe con nói những lời nói thật lòng từ tâm tư như vậy cũng sẽ khiến cho cơn giận của cha mẹ cũng giảm bớt.
– Nói lời xin lỗi: Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có thể bình tĩnh khi đối diện với sự ương bướng của con, mà buông những lời nói, hành động gây tổn thương đến trẻ. Cha mẹ nên thật lòng xin lỗi con như “Hồi nãy mẹ giận quá nên hơi quá lời, con đừng giận mẹ nhé!” khiến con cảm thấy có lỗi mà không bùng phát sự bướng bỉnh nữa. Qua đây, cũng là một bài học dạy con biết xin lỗi, tự tin với giá trị của bản thân.
– Khi đưa ra yêu cầu nên nhẹ nhàng, đơn giản và kèm lời giải thích: ví dụ thay vì nói “Không nghịch nước nữa” thì nên nói “Mẹ nghĩ là con không nên nghịch nước lâu nữa, nếu không sẽ bị ốm như bạn thỏ bông đấy”. Đừng nghĩ rằng những câu như thế bọn trẻ có hiểu đâu mà nói, việc nói như vậy sẽ khiến chúng dần hiểu ra và không còn trở nên bướng bỉnh nữa.
– Quy định thời gian: thay vì cho con liên tục xem ti vi, hoạt hình, chơi game rồi bắt con dừng lại ngay lập tức để ăn cơm, hay đi tắm… thì mẹ hãy quy định thười gian hoạt động của con như “Con sẽ có 30 phút để xem hoạt hình trước khi đi tắm nhé”. Sau khi gần kết thúc thời gian, nên báo trước cho con khoảng 5 phút để con dừng hoạt động ‘;còn 5 phút nữa hết giờ xem con nhé!”. Điều này sẽ khiến cho trẻ dễ hợp tác, vâng lời hơn. Đặc biệt cha mẹ cần phải thể hiện thái độ kiên quyết khi hết thời hạn cho phép.
– Có những hình phạt hợp lý khi con phạm lỗi: như không mua đồ chơi, quà bánh hay đi công viên, đi chơi. Nhưng cần lưu ý không phạt con khi đang cảm thấy nóng giận, phải cho con biết đúng sai của sự việc và không phạt con khi có sự xuất hiện của người thứ 3 sẽ khiến con cảm thấy xấu hổ.
Những điều cha mẹ cần tránh
– Đánh hay mắng chửi con: Khi đánh mắng, trẻ sẽ coi đây như là một sự đàn áp đối với mình mà không phải là sự giáo dục và chỉ khiến con trở nên ương bướng hơn mà thôi. Điều này còn hủy hoại đi sự độc lập hay cá tính của con.
– Không gán cho con nhưng tính từ như “hư, xấu, tồi”…: Không một đứa trẻ nào là hoàn toàn xấu cả, chúng cũng đều rất yêu thương ba mẹ của mình. Nếu cha mẹ dán nhãn cho con những tính từ tiêu cực như vậy sẽ khiến con cảm thấy bị xúc phạm, vứt bỏ hết mọi cố gắng trước đó của con, khiến con càng trở nên bướng bỉnh.