Việt Nam nằm trong khu vực nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh nên được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế, rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.
Logistics có thể hiểu là dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng. Ngành nghề này được đánh giá là quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, thúc đẩy các hoạt động thương mại tăng trưởng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu.
Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 nhưng xuất nhập khẩu của cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Với kết quả này, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng. Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, hoạt động logistics ở thập niên thứ ba của thế kỷ 21 sẽ có những bước phát triển mạnh hơn nữa, tập trung vào một số xu thế như Big data, blockchain, logistics đô thị, trung tâm logistics, chuỗi cung ứng toàn cầu, trung tâm logistics, dịch vụ giá trị gia tăng,… Vì vậy mà trong tương lai nhu cầu nhân lực về ngành logistics hứa hẹn tăng cao.
Ở thời điểm hiện tại, nguồn nhân lực cho ngành này trở nên thiếu hụt trầm trọng, mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thị trường.
Dự báo của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết trong 3 năm tới các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động mới.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 4.000 công ty logistics chuyên nghiệp (trên tổng hơn 30.000 doanh nghiệp) nhưng thực tế nguồn nhân lực chuyên ngành chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Dự báo đến 2030, nhu cầu tuyển dụng là hơn 200.000 nhân lực, thậm chí ngay khi dịch bệnh đang diễn ra, có đến 34,88% doanh nghiệp logistics vẫn muốn tuyển thêm nhiều nhân sự mới. Vì vậy, ngành học logistics là một trong những nhóm ngành có triển vọng phát triển nghề nghiệp và cơ hội việc làm hàng đầu tại nước ta.
Tùy vào khả năng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm làm việc mà các nhân viên ngành logistics sẽ có những mức lương khác nhau. So với các ngành nghề khác thì ngành logistics có mức lương cao hơn hẳn. Sinh viên mới ra trường có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên thanh toán quốc tế, nhân viên hải quan, nhân viên giao nhận, nhân viên chứng từ,… với mức lương từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng.
Sau nhiều năm kinh nghiệp, mức lương có thể trên 20.000.000 đồng/tháng. Vị trí quản lý chuỗi cung ứng mức lương sẽ còn cao hơn. Trung bình khoảng 30.000.000 đồng/tháng/người.