Hai trong 6 gạch đầu dòng tiêu biểu trong phương pháp huấn luyện của HLV Jose Mourinho là “càng cầm nhiều bóng, càng dễ mắc sai lầm” và “kẻ cầm bóng mới là người phải đối mặt với sự sợ hãi“. “Họ có thể cầm quả bóng về còn tôi có điểm“, chiến lược gia người Bồ Đào Nha từng nói.

Trong phòng họp báo sau chiến thắng lịch sử trước Tây Ban Nha, HLV Hajime Moriyasu cũng có những phát biểu với sự kiêu hãnh gần giống “Người đặc biệt”.

Thắng nhờ ít kiểm soát bóng

“Samurai xanh” chắc chắn là đội bóng gây bất ngờ nhiều nhất tại giải đấu trên đất Qatar, không chỉ bởi vì họ thắng Đức hay Tây Ban Nha. Cách Nhật Bản để thua Costa Rica 0-1 ở lượt trận thứ hai vòng bảng cũng khiến nhiều người sốc nặng.

Khác biệt của Nhật Bản trong các trận đấu với Costa Rica, Đức và Tây Ban Nha là gì? Đó là chiến thuật tấn công, thời lượng kiểm soát bóng và cách nhập cuộc. Với chiến thắng 2-1 trước Tây Ban Nha rạng sáng 2/12 (giờ Hà Nội), Nhật Bản trở thành đội có thời lượng kiểm soát bóng thấp nhất (17,7%) nhưng vẫn giành chiến thắng trong một trận đấu ở World Cup.

Nhật Bản tạo địa chấn nhờ chiến thuật sở đoản - Bóng Đá

Nhật Bản làm nên lịch sử ở World Cup 2022 nhờ lối chơi phòng ngự phản công. Ảnh: Reuters. 

Ở trận thắng Đức 2-1, Nhật Bản cũng chỉ sở hữu 26% thời lượng bóng. Trước Nhật Bản, chưa có đội nào trong lịch sử ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh cầm bóng ít như vậy nhưng vẫn giành chiến thắng.

Đó là một dữ kiện thú vị. Bóng đá Nhật Bản vốn nổi tiếng về kỹ thuật và khả năng kiểm soát bóng. Họ cũng hay được nhắc đến với việc cầm bóng nhiều nhưng không ghi được bàn và sau đó trả giá. Trước trận gặp Tây Ban Nha chỉ vài ngày, Nhật Bản thua Costa Rica trong một trận đấu mà họ sở hữu 57% thời lượng bóng và áp đảo đối phương về các chỉ số thống kê, ngoại trừ bàn thắng.

Trước Tây Ban Nha, chưa bao giờ “Samurai xanh” chịu lép vế đến vậy về khả năng kiểm soát bóng. Ngay cả khi phải đối đầu với những đội mạnh hơn từ châu Âu hay Nam Mỹ, Nhật Bản cũng thích kiểm soát bóng và tấn công áp đặt khi có cơ hội. Ở trận thua Brazil 0-1 hồi tháng 6, Nhật Bản cũng sở hữu 47% thời lượng kiểm soát bóng. Số đường chuyền của họ cũng là 405, không thua kém quá nhiều so với các chuyên gia kỹ thuật bên phía Brazil (454).

Trong trận thua Bỉ 2-3 ở vòng 16 đội World Cup 2018, đội bóng xứ sở mặt trời mọc cũng cầm bóng 42% và có nhiều thời điểm áp đảo đối thủ về khoản này. Tuy nhiên khi đối đầu Đức và Tây Ban Nha, Nhật Bản đã trình diễn một lối chơi khác. Họ không tập trung vào việc kiểm soát bóng khi có cơ hội, không nỗ lực phối hợp quá bài bản từ phần sân nhà. Nhật đã chọn cách chơi có phần đi ngược lại truyền thống nhiều năm của họ: Bóng dài, phất thật nhanh lên phía trên.

Nói như Mourinho thì “càng cầm nhiều bóng, càng dễ mắc sai lầm“. HLV Moriyasu thừa hiểu điều đó. “Tây Ban Nha có bóng, nhưng chúng tôi có tốc độ“, ông nói, “Chúng tôi không quan tâm đến khả năng kiểm soát bóng của Tây Ban Nha bởi mục tiêu chính của đội là tìm khoảng trống sau lưng hàng thủ của họ, gây sức ép và dùng tốc độ để tấn công“.

Kể từ khi dẫn dắt tuyển Nhật Bản vào năm 2018, ông Moriyasu thường bị truyền thông và người hâm mộ chỉ trích dữ dội vì lối chơi quá cẩn trọng, thậm chí đôi lúc bị gắn mác “hèn nhát”. Tuy nhiên, vị HLV 54 tuổi cuối cùng đi vào lịch sử khi giúp Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha và Đức, hai đội từng vô địch thế giới trong cùng một kỳ World Cup, điều chưa đội bóng châu Á nào làm được trước đây.

Nhật Bản tạo địa chấn nhờ chiến thuật sở đoản - Bóng Đá

Những pha phản công chớp nhoáng giúp Nhật Bản thăng hoa ở World Cup 2022. Ảnh: Reuters. 

Sự thực dụng

Nhật Bản của World Cup 2022 là một đội bóng giỏi phản công, không còn quá chú tâm vào việc kiểm soát bóng và phối hợp quá bài bản từ sân nhà. Ở trận đấu trước Đức và Tây Ban Nha, người ta đã thấy Nhật Bản chơi như thế.

Trận thua Costa Rica là một thất bại điển hình mà tuyển Nhật Bản nhiều lần vấp phải trong quá khứ. Và nó có lẽ khiến HLV Moriyasu rút ra bài học kinh nghiệm trước khi đối đầu Tây Ban Nha.

Khoảng hơn 20 phút cuối trận đấu với Tây Ban Nha, người ta thấy các ngôi sao của bóng đá Nhật Bản làm một điều rất hiếm. Đó là liên tục phá quả bóng ra khung thành càng xa càng tốt, bất chấp cơ hội phối hợp với đồng đội.

Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp cầu thủ, Ritsu Doan hay Wataru Endo có lẽ đã được thấm nhuần tư tưởng kiểm soát bóng, chơi kỹ thuật và không chuyền ẩu của các ngôi trường bóng đá tại Nhật Bản. Trước Tây Ban Nha, những gì Doan hay Endo làm trong khoảng thời gian cuối trận gần như chỉ là phá bóng. Đó là thời điểm nhiều cầu thủ Nhật Bản gần như kiệt sức sau quãng thời gian chơi phòng ngự phản công trước Tây Ban Nha.

Nếu cố giữ bóng thật lâu và phối hợp bài bản như truyền thống, Nhật Bản có thể bị Tây Ban Nha cướp bóng và phản công. Chỉ một bàn thua vào thời điểm cuối trận sẽ khiến “Samurai xanh” bị loại khỏi World Cup 2022 khi Đức đã vượt lên dẫn Costa Rica 4-2 ở trận đấu cùng giờ.

Việc Nhật Bản chấp nhận chơi thực dụng hơn và tập trung vào việc khai thác các sai lầm đối thủ giúp họ tạo nên hai cơn địa chấn ở World Cup 2022. HLV Moriyasu cùng các học trò đang đứng trước cơ hội làm nên lịch sử. Nhật Bản chưa bao giờ lọt vào vòng tứ kết World Cup nhưng sau những gì đã xảy ra, người ta có quyền mơ về cột mốc mới. Croatia đang là đội đương kim á quân thế giới, nhưng “Samurai xanh” vừa hạ cả Tây Ban Nha lẫn Đức.

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link