Biết cách lắng nghe, cư xử thông minh, khéo léo lựa chọn từ ngữ, chấp nhận lời chỉ trích đúng lúc… là những dấu hiệu nhận biết cơ bản của người có chỉ số thông minh xã hội cao.

Song Joong Ki là sao nam Hàn có IQ cao, thường được khen với cách ứng xử lịch thiệp, tinh tế. Ảnh: Dummy

Bạn có thể tận dụng tối đa các tương tác xã hội của mình không? Phần lớn sự bình yên, hạnh phúc và thành công của một người trong cuộc sống phụ thuộc vào khả năng họ điều hướng thành công các mối quan hệ.

Những người có trí thông minh xã hội cao hiểu khả năng tiếp nhận hoặc đạt được mọi thứ của họ đòi hỏi họ phải kết nối với những người khác một cách có ý nghĩa. Điều đó có thể bao gồm gia đình, bạn bè hoặc những người tại nơi làm việc. Tất cả chúng ta đều đóng một vai trò trong cuộc sống của nhau.

Việc hiểu được cách thức những người thông minh về mặt xã hội tương tác với người khác có thể giúp bạn trau dồi hiểu biết của chính mình. Nhờ đó, bạn cũng có thể tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống của mình. Vậy những người có trí thông minh xã hội cao làm gì mà chúng ta có thể học hỏi?

1. Lựa chọn từ ngữ một cách cẩn thận

Nếu lời nói của bạn có ý xúc phạm, coi thường hoặc chê bai những người có quan điểm và nhận thức khác biệt, điều này sẽ khiến người nghe tức giận. Đồng thời, việc này đặt người nghe vào thế phòng thủ và họ không còn lắng nghe lời nói của bạn. Một người có chỉ số SEQ (Social Intelligence Quotient – Trí thông minh xã hội) cao hiểu cách họ trình bày thông tin hoặc ý tưởng thường quan trọng hơn nội dung thông điệp.

Việc bạn thừa nhận các quan điểm và nhận thức khác mình trong khi đưa ra quan điểm riêng sẽ giúp ý kiến của bạn được lắng nghe thấu đáo hơn.

2. Lắng nghe những quan điểm khác với ý kiến bản thân

Cuộc sống phức tạp và có thể mỗi người trên hành tinh này có quan điểm khác nhau về một vấn đề trong cuộc sống. Những người có trí thông minh xã hội cao thường tò mò muốn hiểu những quan điểm khác để họ có thể học hỏi từ nó.

Bạn khó lòng hiểu biết một cách đầy đủ về mọi khía cạnh cuộc sống. Điều bạn có thể làm là lắng nghe quan điểm của người khác và khám phá lý do tại sao họ nhìn thế giới theo cách đó. Điều này không có nghĩa bạn nên chấp nhận lời nói của họ ngay lập tức mà đơn giản là lắng nghe họ. Như vậy, bạn có thêm kinh nghiệm và cân nhắc áp dụng cách nghĩ đó vào thế giới quan của riêng bạn.

3. Không lãng phí thời gian để tranh cãi với người khác

Tranh luận là một sự lãng phí thời gian, năng lượng cảm xúc khi bạn cố gắng ép buộc, nhồi nhét thông tin đối với một người không quan tâm đến việc lắng nghe hoặc học hỏi. Đó không phải là lối cư xử thông minh, khôn khéo.

4. Lắng nghe để thấu hiểu thay vì chỉ để trả lời ai đó

Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng cần trau dồi. Trong các cuộc trò chuyện, nhiều người đợi đến lượt mình để trả lời, bày tỏ quan điểm hoặc niềm tin của mình mà không cân nhắc kỹ những gì đang được nói. Chưa kể, một số người không tập trung vào cuộc nói chuyện khi không rời mắt khỏi tivi hoặc điện thoại thông minh. Những người có lối cư xử thông minh tập trung vào cuộc trò chuyện, lắng nghe để hiểu hơn là để đưa ra câu trả lời.

5. Biết chấp nhận những lời chỉ trích, thay vì trốn tránh

Nhìn chung, phần lớn chúng ta có thể khó đối mặt với những lời chỉ trích dù lời nói đó mang tính xây dựng hay không. Nhưng phê bình mang tính xây dựng là một công cụ có giá trị để mài giũa kỹ năng của một người, bất kể đó là gì. Mọi người sẽ luôn có ý kiến và lời chỉ trích, dù là lời tử tế lẫn không mang tính xây dựng.

Những người có chỉ số thông minh xã hội cao hiểu rằng những lời chỉ trích là cơ hội để học hỏi và phát triển, ngay cả khi lời nói đó không xuôi tai.

6. Không đánh giá một người theo ý kiến của người khác

Một người thông minh hiểu họ không nên đánh giá mọi người theo ý kiến của người khác. Kể cả khi lời đánh giá có thể hữu ích trong trường hợp có kẻ xấu, nhưng bạn cũng cần cẩn thận để không coi ý kiến của người khác chính là sự thật.

Lý do bởi luôn có nhiều khía cạnh trong một câu chuyện. Ngoài ra, tham gia vào việc tung tin đồn thất thiệt và ngồi lê đôi mách là một ý kiến tồi. Đó là cách nhanh chóng làm xói mòn lòng tin và khiến mọi người đặt câu hỏi về tính cách của bạn.

7. Hiếm khi sử dụng từ ‘tuyệt đối’ trong giao tiếp

Từ “Tuyệt đối” dễ kích động một cuộc tranh luận, bởi rất ít điều trong cuộc sống hoàn toàn đen hoặc trắng. Luôn có những điều chúng ta không biết hoặc không thể biết. Một người có trí thông minh xã hội cao sẽ nhận thức được rằng họ có thể sai. Cách dễ nhất để tránh kích động một cuộc tranh cãi hoặc khiến người khác tấn công bạn là không sử dụng các câu tuyệt đối, trừ khi cần thiết.

8. Tránh chỉ trích cá nhân

Chúng ta thường được nhắc rằng phải biết đứng lên bảo vệ bản thân và những gì chúng ta tin tưởng. Nhưng bảo vệ bản thân không nhất thiết phải dùng đến sự tức giận và tấn công người nói. Giữ bình tĩnh khi đối mặt với những lời chỉ trích hoặc nghịch cảnh giúp bạn thoát khỏi tình huống éo le, chẳng hạn một cuộc xung đột.

9. Chấp nhận lời xin lỗi và xin lỗi khi mình sai

Một người có trí thông minh xã hội cao sẽ hiểu và thừa nhận khi họ sai. Họ biết rằng lãng phí thời gian quý báu đi tranh cãi về những điều không đâu hoặc trốn tránh trách nhiệm thật không đáng. Mọi người đều mắc phải sai lầm nào đó. Đôi khi chúng ta đưa ra những lựa chọn tồi, chọn sai từ hoặc đơn giản là không nhận thức được tất cả sự thật.

Một người thông minh cũng có thể chấp nhận lời xin lỗi một cách nhã nhặn. Nhưng ngay cả khi tha thứ cho người khác, ác ý không nên bị lãng quên. Chấp nhận lời xin lỗi không có nghĩa là bạn nên để mặc cho mình bị tổn thương một lần nữa.

Theo Hằng Trần (ngoisao.vnexpress) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link