Đó chính là lý do TS Nguyễn Huy Quang cho rằng cần đánh thuế cao với loại đồ uống này. Đồ uống càng nhiều đường càng phải chịu mức thuế cao.
Đồ uống có đường là thức uống quen thuộc trong các bữa ăn, cuộc nói chuyện của người Việt. Ảnh: Chivagovn.
Đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang vướng nhiều tranh luận và chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan, bộ ngành.
Theo chia sẻ, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam, cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là hợp lý.
Đây sẽ là giải pháp có ý nghĩa trong bối cảnh gia tăng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm liên quan thói quen ăn uống “vô tội vạ”, không kiểm soát đường.
Đề xuất đánh thuế theo ngưỡng đường
Lý do đầu tiên khiến ông Quang đồng ý với đề xuất này của Bộ Tài chính là không riêng Việt Nam, ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ, 9 bang của Mỹ đã áp dụng chính sách thuế nhằm tăng giá của đồ uống có đường để đạt mục tiêu giảm tiêu dùng.
Trong đó, 56 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và 9 bang của Mỹ đang thực hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về cách áp thuế hợp lý, chuyên gia Bộ Y tế đề xuất đánh thuế theo ngưỡng đường. “Tức đồ uống càng nhiều đường càng phải chịu thuế cao. Đây là cách đánh thuế có lợi cho y tế công cộng nhất”, TS Quang nhận định.
TS Nguyễn Huy Quang lý giải điều này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất điều chỉnh công thức sản phẩm, giảm đường để có thể hưởng mức thuế ít hơn. Nhờ đó, cùng một loại, sản phẩm có ít hàm lượng đường sẽ có giá thành thấp hơn.
TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Theo ông, sự thay đổi này sẽ góp phần đáng kể vào việc tác động đến hành vi người tiêu dùng. Đặc biệt, người có thu nhập trung bình thấp, người nghèo sẽ lựa chọn sản phẩm rẻ hơn, vì vậy, có lợi cho sức khỏe hơn.
Về định nghĩa uống có đường, TS Quang dẫn lại khái niệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo đó, đồ uống có đường là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm: Nước ngọt không chứa cồn (soft-drink) có hoặc không có gas, nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực, đồ uống cho người chơi thể thao (sport drinks), trà pha sẵn, cà phê pha sẵn, đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
Trong định nghĩa này, đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được nhà sản xuất, người chế biến, nấu thực phẩm hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm, đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc.
“Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng khái niệm này”, TS Nguyễn Huy Quang nói.
Người Việt tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường
Theo TS Quang, mức tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ bình quân 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, nhất là ở nhóm trẻ tuổi.
Mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người đã tăng lên 52,1 lít/người vào năm 2020. Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh cho thấy tỷ lệ nhóm 13-17 tuổi uống nước ngọt có gas thường xuyên nhiều hơn một lần/ngày trong năm 2013 là 31,1% và tăng lên 33,9% năm 2019.
Theo tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020, tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt có đường vượt quá khuyến nghị tại thành thị là 12,2%, nông thôn là 10,8%. Theo 7 vùng sinh thái, tỷ lệ thấp nhất rơi vào miền núi phía bắc (4,3%) cao nhất là Đông Nam Bộ và TP.HCM (19%).
Mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người Việt Nam đang tăng nhanh trong nhiều năm qua. Ảnh: Pexels.
Nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế thẳng thắn chỉ ra bằng chứng từ nghiên cứu phân tích đánh giá hệ thống (từ nhiều nghiên cứu) trên thế giới cho thấy đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…
Đây đồng thời là những bệnh tạo gánh nặng y tế mà Việt Nam phải đối mặt. Bên cạnh đó, đồ uống có đường cũng ảnh hưởng đến đến sức khỏe răng miệng, việc hấp thu các chất dinh dưỡng như kali, canxi, vitamin.
Nghiên cứu phân tích đánh giá hệ thống năm 2020 và 2021 chỉ ra tăng tiêu thụ 250 ml đồ uống có đường mỗi ngày sẽ làm gia tăng nguy cơ:
– Béo phì: 12%.
– Tiểu đường type 2: 19%.
– Tăng huyết áp: 10%.
– Tử vong do tim mạch: 13%.
– Nguy cơ tử vong do tất cả nguyên nhân: 5%.
Nghiên cứu ở các nước khác cũng chỉ ra tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên gia tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa đến 45%. Đồ uống có đường cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe răng miệng như sâu răng, mòn răng.
Nghiên cứu tổng hợp từ 88 nghiên cứu tiến hành bởi Đại học Y tế công cộng Harvard (Mỹ) cho thấy uống nước ngọt soda liên quan đến sụt giảm Vitamin D, vitamin B6, vitamin B12, canxin, protein và các vi chất khác từ sữa.
“Đứng trước nguy cơ sức khỏe do sử dụng đồ uống có đường gây nên cũng như gánh nặng bệnh tật hiện nay, Việt Nam cần có chính sách kiểm soát để giảm tiêu dùng ngay, nhằm hạn chế các hệ lụy về sức khỏe, kinh tế cho gia đình, quốc gia”, TS Quang nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo ông, các ban, ngành cần tăng cường giải pháp đồng bộ từ truyền thông nâng cao nhận thức, hạn chế nhu cầu thông qua đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, hạn chế quảng cáo trong khung giờ vàng hay địa điểm mà trẻ em dễ tiếp cận…
Trong đó, giải pháp thuế được WHO khuyến cáo là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao.
Theo Thuận Anh – Bích Huệ (zing) – Ảnh: T.H