Theo Japan Times, trong khi nhiều quốc gia đang giảm dần ca mắc đậu mùa khỉ, ở Nhật Bản, số lượng bệnh nhân mắc căn bệnh này lại tăng lên đáng kể vào tháng 3.
Phát ban là một trong những triệu chứng điển hình khi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Froedtert Hospital.
Tính đến ngày 28/3, Nhật Bản ghi nhận 80 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ – căn bệnh truyền nhiễm do virus và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục đồng giới nam. Bất kỳ ai tiếp xúc gần người nhiễm virus cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Theo kết quả báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản, tất cả bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở quốc gia này đều là nam giới, có độ tuổi 20-60. Trong đó, đối tượng có số ca mắc cao nhất là những người 30-40 tuổi.
Japan Times thông tin từ tháng 7 đến tháng 12/2022, Nhật Bản chỉ ghi nhận 8 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, đầu năm 2023, quốc gia này lại đối mặt với sự gia tăng báo động về số ca mắc mới.
Cụ thể, tháng 1, Nhật Bản ghi nhận 7 ca mắc đậu mùa khỉ. Đến tháng 2, số ca mắc đã tăng lên 12 ca. Trong tháng 3, các trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở quốc gia này đã lên đến 53 ca.
Những bệnh nhân này thường được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ sau khi có những triệu chứng như phát ban, sốt và sưng hạch bạch huyết. Nghiêm trọng hơn, các báo cáo từ đầu năm đến nay cho thấy những ca mắc đậu mùa khỉ ở Nhật Bản không hề có lịch sử đi du lịch nước ngoài.
Vào 2 ngày trước khi Nhật Bản phát hiện ca mắc đầu tiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đến nay, gần 90.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại hơn 110 quốc gia, trong đó có 97 người tử vong.
Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, nhức đầu, sưng hạch bạch huyết và phát ban da (có thể đi kèm vài ngày sau đó). Những vết phát ban này xuất hiện từ mặt, rồi lan dần khắp cơ thể, chuyển thành mụn nước và đóng vảy theo thời gian. Thông thường, bệnh nhân tự hồi phục trong vòng 2-4 tuần.
Tuy nhiên, hiện nay có một số bệnh nhân cũng bị phát ban da mà không xuất hiện triệu chứng ban đầu như sốt và sưng hạch bạch huyết. Trong trường hợp này, những vết phát ban thường được báo cáo ở vùng sinh dục và bên trong miệng.
Theo Luật Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm Nhật Bản, các bác sĩ phải báo cáo trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ cho trung tâm y tế địa phương của bệnh nhân. Nhật Bản cũng đã phê duyệt một loại vaccine để ngăn ngừa và làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H