Hiện tại, các nhà khoa học chưa có nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa tắm đêm và nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, tắm đêm hay tắm lạnh đột ngột ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Theo trao đổi, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP.HCM), cho biết: “Chúng ta thường nghe nhiều về việc tử vong đột ngột sau khi tắm khuya. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải là đột quỵ não mà có thể là bệnh rối loạn nhịp tim sẵn từ trước”.

Theo bác sĩ Khánh, hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh mối liên quan mật thiết giữa tắm khuya và đột quỵ. Theo dịch tễ học, tỷ lệ người mắc bệnh đột quỵ thay đổi theo mùa. Trong đó, mùa đông và hè có tỷ lệ cao hơn so với hai mùa còn lại.

Bên cạnh đó, nghiên cứu Nhiệt độ ngoài trời và nguy cơ đột quỵ được công bố trên tạp chí Đột Quỵ kết luận nguy cơ mắc tình trạng này tăng ở nhiệt độ lạnh và nóng, chủ yếu là người lớn tuổi, có sẵn bệnh nền.

Tác hại của tắm đêm

Việc tắm đêm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vào ban đêm, nhiệt độ bên ngoài giảm xuống thấp, tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ so với cơ thể. Việc ngâm trong bồn nước nóng khi trời lạnh hay tắm nước lạnh khi vừa đi từ ngoài về làm cơ thể dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt.

Nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể sẽ khiến cơ thể điều chỉnh để thích nghi với môi trường bằng cách co mạch hoặc giãn mạch. Mạch máu khi bị co lại sẽ làm nguy cơ co thắt mạch vành (mạch máu nuôi tim) xảy ra đột ngột hơn, đặc biệt là ở người mắc bệnh lý đau thắt ngực do co thắt mạch vành.

Hơn hết, tắm nước nóng hoặc nước lạnh trước khi đi ngủ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, dẫn đến khó ngủ. Bác sĩ Khánh giải thích thông thường, chúng ta sẽ nghỉ ngơi, thư giãn tốt hơn khi nhiệt độ cơ thể xuống thấp. Khi đó, chúng ta sẽ dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Tuy nhiên, việc tắm nước nóng trước khi đi ngủ làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến cơ thể bị rối loạn, dẫn đến khó ngủ, mất ngủ. Mặt khác, tắm đêm với nước lạnh cũng làm mất nhiệt thái quá.

Nếu tình trạng này kéo dài, nó dễ dẫn đến bệnh cảm và lạnh phổi, đặc biệt là đối với người có hệ miễn dịch yếu. Trong trường hợp trầm trọng hơn, người bệnh nguy cơ mắc bệnh sốt siêu vi, thậm chí là nhiễm trùng phổi – tình trạng xảy ra khi cơ quan hô hấp bị suy yếu, lâu dần mất sức đề kháng.

Việc tắm nước lạnh khi vừa đi từ ngoài về làm cơ thể dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt. Ảnh: Bigstock.

Lưu ý khi đi tắm

Dưới đây là khuyến cáo của bác sĩ Khánh về những điều cần chú ý khi đi tắm, đặc biệt là tắm vào ban đêm:

  • Không được tắm ngay khi vừa về nhà với cơ thể nóng và mồ hôi. Bạn cần chờ cơ thể tỏa bớt nhiệt, ít nhất 15 phút.
  • Tắm với nước không quá lạnh hoặc quá nóng nhằm tránh trường hợp cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, gây co hoặc giãn mạch máu cấp tính.
  • Không nên tắm sau 23h.
  • Luôn lau khô người, sấy khô tóc sau khi tắm, tuyệt đối không để tóc ướt đi ngủ.
  • Không tắm khi cơ thể quá no hoặc quá đói, không tắm ngay sau khi vừa ăn bữa chính.
  • Bạn nên bỏ thói quen dội nước đột ngột từ phần đầu xuống (nhất là nước có nhiệt độ lạnh). Thay vào đó, bạn hãy làm ướt 2 tay, 2 chân và phần người trước.
  • Chỉ tắm trong không gian kín gió.

Bác sĩ Khánh lưu ý thêm bạn nên thường xuyên tập thể dục, thể thao, tắm nắng sáng sớm để quá trình trao đổi chất trong cơ thể được diễn ra tốt hơn. Ngoài ra, việc đi khám tổng quát mỗi 6-12 tháng rất quan trọng để đảm bảo không có bệnh nền. Người có tiền sử bệnh mạch vành, rối loạn nhịp cần đặc biệt cẩn thận khi tắm đêm.

Theo Nam Giao (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: xevathethao.vn | Copy Link