Những tổn thương do herpes gây ra có thể nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác như nấm, loét miệng, giang mai, hạ cam…
Herpes là loại bệnh do virus Herpes Simplex gây ra. Bệnh được chia làm 2 loại HSV1 và HSV2. Trong đó, HSV1 thường gây tổn thương ở da và HSV2 thường gây tổn thương ở bộ phận sinh dục.
Các biểu hiện của herpes trên da
Thường khi mới nhiễm herpes người bệnh chưa có biểu hiện. Trong nhiều trường hợp, có thể cơ thể đã chứa virus, khi có điều kiện thuận lợi như thời tiết hoặc khi sức đề kháng kém thì bệnh herpes mới phát triển ra. Bệnh rất dễ tái phát vì lượng virus vẫn còn tiềm ẩn trong cơ thể.
Đầu tiên bệnh nhân tổn thương ở vùng môi, vùng bán niêm mạc ở miệng. Bệnh nhân có cảm giác nóng bừng, sau đó xuất hiện mụn nước mọc thành những chùm nhỏ. Sau một thời gian, tùy giai đoạn bệnh, những mụn nước có thể lan vào miệng gây ra những vết loét nhỏ, đau rát.
Vết loét ở miệng là biểu hiện của bệnh herpes
Ngoài ra những mụn nước có thể tỏa ra những vùng da, một số trường hợp herpes thể lan tỏa (Eczema herpesticum) là những mụn nước nhỏ kích thước khá đồng đều gây tổn thương ở da.
Herpes sinh dục do HSV2 gây ra, ở giai đoạn đầu bệnh có những triệu chứng âm thầm. Bệnh nhân có những triệu chứng khó chịu ở vùng sinh dục sau đó xuất hiện nhiều các vết loét. Các vết loét này sẽ phát triển nhanh, khiến bệnh nhân đau rát nhiều. Các vết loét có thể lan hết vùng sinh dục thậm chí xuống cả tầng hậu môn.
Herpes trên da dễ nhầm lần với những bệnh nào?
Những bệnh nhân tổn thương herpes trong miệng có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh như nấm hoặc loét miệng tái diễn, một số bệnh do dị ứng thuốc hay sẩn ngứa.
Với herpes ở sinh dục có thể nhầm với loét do giang mai, hạ cam, loét do nhiễm khuẩn khác.
Herpes có lây không?
Herpes là bệnh có lây truyền. Herpes là những tổn thương ở niêm mạc và màng nhầy, chất tiết ra như nước bọt hay dịch tiết ở âm đạo. Vì vậy, thường bệnh sẽ lây qua những tổn thương da trực tiếp, khi da tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết. Ví dụ dùng đồ dùng chung khi vệ sinh răng miệng hoặc từ những vết trầy xước khi có tổn thương khô nứt ở môi. Ngoài ra bệnh có thể lây qua lây khi quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp phòng tránh.
Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con. Nếu người mẹ mang thai nhiễm virus herpes, trẻ sinh ra có thể mắc bệnh.
Herpes có chữa khỏi được không?
Herpes chữa khỏi rất khó và có khả năng tái phát. Nếu được phát hiện sớm có thể giảm được những biến chứng và giảm tỷ lệ tái phát của bệnh.
Nếu không điều trị, herpes có thể khiến bệnh nhân sốt cao, đau nhiều. Những vết herpes ở trong miệng thường tổn thương lành tính hơn. Tuy nhiên herpes ở sinh dục có thể gây viêm những tổ chức xung quanh và viêm sưng hạch bạch huyết, sốt cao. Thậm chí có thể dẫn tới tình trạng vô sinh.
Trong trường hợp trẻ em nhiễm herpes, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm màng não.
Làm sao để không bị mắc herpes
Herpes là bệnh lây truyền trực tiếp. Vì vậy, để phòng tránh bệnh, cần lưu ý một số điều sau:
– Quan hệ chung thủy một vợ một chồng và nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
– Bộ phận sinh dục nên được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày tuy nhiên không nên chà sát quá mức làm cho virus dễ xâm nhập vào cơ thể.
– Không nên sử dụng những đồ dùng chung như khăn tắm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu…
– Hạn chế tiếp xúc với những đối tượng nhiễm herpes
– Nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống, tập luyện
– Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
Theo Zing – Ảnh: T.H