Bác sĩ khuyến cáo người lớn tuổi nhiều bệnh nền và các vấn đề về sức khỏe nên hạn chế ra ngoài 10-16h hàng ngày để phòng tránh tai biến.

Khoảng 3-4 ngày gần đây, bà Nguyễn Tố Hảo (75 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) ăn uống kém do thời tiết nóng bức. Người nhà thường xuyên mua nhiều món ăn và các loại trái cây bà thích nhưng không hiệu quả.

Bà Hảo có tiền sử đột quỵ và đang điều trị bệnh cao huyết áp, tiểu đường.

“Thấy mẹ mệt mỏi nhiều, ăn uống ít, gia đình tôi mời nhân viên y tế đến nhà theo dõi và chăm sóc. Nếu tình trạng xấu hơn, gia đình sẽ cho mẹ nhập viện”, chị Minh Nguyệt, con gái bà Hảo, cho hay.

Thực tế, bà Hảo chỉ là một trong nhiều người đang chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, oi bức những ngày qua.

Đa số người cấp cứu có bệnh lý nền

Trả lời Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Phương Nga, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết số lượng bệnh nhân gọi cấp cứu có xu hướng tăng so với trước giai đoạn nắng nóng. Tuy nhiên, số lượng không đột biến.

Hiện mỗi ngày, đơn vị này cấp cứu khoảng 74 bệnh nhân. Trong đó, nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, cao tuổi… Đáng chú ý, 2 ngày gần đây, khi nhiệt độ cao kết hợp oi bức, số trường hợp cao tuổi có bệnh nền, tử vong ngoại viện, trước khi xe cấp cứu đến tăng.

“So với giai đoạn trước khi bước vào đợt nắng nóng, trung tâm tiếp nhận khoảng 5-6 bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền tử vong ngoại viện. Song những ngày gần đây, con số này là 8-9 người”, bác sĩ Phương Nga nói.

cap cuu nang nong anh 1

Nắng nóng là nguyên nhân khiến nhiều người cao tuổi phải thăm khám, điều trị các bệnh lý về tim mạch, tiêu hóa và hô hấp. Ảnh: Hoàng Dương.

Bác sĩ Nga lý giải những bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tim mạch, hen phế quản và nhiều bệnh mạn tính khác rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Đặc biệt, những ngày gần đây nền nhiệt độ lớn và độ ẩm không khí cao là cơ hội để các bệnh lý mạn tính tái phát và có thể tiến triển nặng hơn.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, người già thường mệt, khó chịu nên hay bỏ thuốc điều trị… Việc này rất nguy hiểm với các bệnh nhân mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch.

“Người cao tuổi ít khi cảm thấy khát dẫn đến không bổ sung đủ nước cho cơ thể. Đây là có thể là nguyên nhân gây mất nước, rối loạn điện giải, tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp. Ngoài ra, nắng nóng, ngay cả người khỏe mạnh cũng chán ăn nên người cao tuổi cũng vậy. Điều này dẫn đến tình trạng ăn ít, ăn không đủ chất dinh dưỡng khiến cho sụt cân, giảm sức đề kháng dễ mắc các bệnh”, bác sĩ Nga cho hay.

Triệu chứng cần đi khám sớm

Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, cho hay việc theo dõi các triệu chứng bệnh của người cao tuổi rất quan trọng, đặc biệt là người có bệnh nền.

Khi phát hiện thấy người già xuất hiện các dấu hiệu như ho, sốt, nói khó, cầm nắm không vững, thay đổi ý thức, huyết áp tăng, buồn nôn, chóng mặt… cần đến bệnh viện khám, không tự điều trị tại nhà.

cap cuu nang nong anh 2

BSCKI Đặng Thị Phương Nga, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. Ảnh: Phương Anh.

Bác sĩ Nga khuyến cáo người cao tuổi có khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết kém, nhất là khi nắng nóng kéo dài. Vì vậy, đối tượng này cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, bổ sung nước, chất điện giải. Đặc biệt, người dân không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột để tránh sốc nhiệt như trong phòng lạnh đi ra ngoài hoặc ngược lại.

“Nắng nóng là lý do nhiều người ngại không đi khám hoặc tái khám, nhất là người có tuổi. Việc này rất quan trọng vì có thể phát hiện sớm các bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời. Người mắc bệnh mạn tính cần uống thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bệnh tái phát, nặng thêm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Nga, người cao tuổi không ra ngoài khi nắng gắt, hạn chế 10-16h hàng ngày để phòng tránh tai biến. Khi cần ra ngoài, họ cần đội mũ hoặc nón rộng vành, đeo kính râm, mặc quần áo thoáng mát.

Để phòng ngừa tai biến do nắng nóng, sau khi đi nắng về, người dân nên ngồi nghỉ ngơi khoảng 30 phút, lau hết mồ hôi, không còn nóng rồi mới đi tắm. Trước khi ra ngoài, bạn cũng nên tắt điều hòa 15-20 phút để tránh sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong nhà và ngoài trời.

Hàng ngày, người cao tuổi có thể tập thể dục nhẹ nhàng vào sáng sớm, lúc mặt trời vừa mọc, chiều muộn khi trời đã dịu mát.

Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: www.giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link