Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất dễ lây lan ảnh hưởng đến mũi và cổ họng, và đôi khi là da. Nó lây lan qua ho và hắt hơi, hoặc qua tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Bạn cũng có thể nhiễm bệnh khi dùng chung các vật dụng, chẳng hạn cốc, dao nĩa, quần áo hoặc bộ đồ giường với người bị nhiễm bệnh.

Đây có thể là căn bệnh nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em nếu không được điều trị nhanh chóng. Tiêm chủng có thể ngăn ngừa mắc bệnh.

Các triệu chứng bạch hầu thường bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Dấu hiệu điển hình bao gồm:

  • Một lớp phủ dày màu trắng xám có thể bao phủ phía sau cổ họng, mũi và lưỡi.
  • Sốt cao.
  • Đau họng.
  • Sưng hạch ở cổ.
  • Khó thở và nuốt.

Ở các quốc gia có vệ sinh kém, nhiễm trùng da (bệnh bạch hầu ở da) phổ biến hơn với các triệu chứng điển hình là:

  • Mụn nước đầy mủ trên chân, bàn chân và bàn tay.
  • Vết loét lớn ở vùng da đỏ, đau.

Bạn nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng bạch hầu và:

  • Đang ở khu vực trên thế giới nơi dịch bệnh lan rộng gần đây.
  • Vừa trở về từ khu vực có dịch bệnh lan rộng.
  • Đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu cần được điều trị nhanh chóng tại bệnh viện để giúp ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn khó thở hoặc các vấn đề về tim.

Người bệnh bạch hầu thường được chỉ định điều trị bằng:

  • Kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu.
  • Thuốc ngăn chặn tác dụng của các chất có hại (độc tố) do vi khuẩn tạo ra.
  • Làm sạch hoàn toàn mọi vết thương bị nhiễm trùng nếu bệnh ảnh hưởng đến da.

Điều trị bạch hầu thường kéo dài 2-3 tuần. Các vết loét lành trong vòng 2-3 tháng, nhưng có thể để lại sẹo. Những người đã tiếp xúc gần với người mắc bạch hầu cũng có thể cần dùng thuốc kháng sinh hoặc được tiêm vaccine phòng bạch hầu để ngừa mắc bệnh.

Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS) chia sẻ.

Theo Zing – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link