Không đội nào ở V.League phải nhận nhiều thẻ phạt như Thanh Hóa sau 4 vòng đầu. Trong 16 thẻ vàng của đội, có 12 thẻ cho cầu thủ và 4 cho ban huấn luyện. Điều thú vị là 12 thẻ của CLB được chia đều cho 12 cầu thủ khác nhau hay nói cách khác, chưa cầu thủ nào của Thanh Hóa phải nhận hai thẻ vàng liên tiếp.
Với ban huấn luyện Thanh Hóa, một mình HLV trưởng Velizar Popov nhận hai thẻ, còn lại là các trợ lý. Đó là ở các trận Thanh Hóa gặp SLNA và Đà Nẵng.
Ở nhiều mùa giải, số lượng thẻ phạt lớn thường đi ngược với thứ hạng của CLB. Mùa này, Thanh Hóa tạo ra ngoại lệ khi đang là một trong 4 đội hay nhất V.League thời điểm này. CLB Bình Dương xếp áp chót cũng chỉ nhận 13 thẻ vàng, ít hơn 3 thẻ so với Thanh Hóa.
Trong các CLB nhóm đầu, Bình Định và Nam Định nhận 4 thẻ vàng, Hà Nội có 5. Các đội nhận ít thẻ nhất là Hải Phòng và Hà Tĩnh (cùng 3 thẻ) đang đứng top giữa bảng xếp hạng.
Nguyên nhân cho hiện tượng thẻ phạt của Thanh Hóa nằm ở lối chơi. Từ khi HLV Velizar Popov đến, Thanh Hóa thi đấu kỷ luật và máu lửa hơn. Đội có thể tấn công hay và đẹp mắt nhưng khi cần cũng có thể tạo ra bức tường phòng ngự khó xuyên thủng và sẵn sàng đánh đổi bằng thẻ phạt. Minh chứng là sau 4 trận, Thanh Hóa chỉ phải nhận 1 bàn thua, ít nhất giải. Họ cũng là đội duy nhất làm câm lặng hàng công của nhà đương kim vô địch Hà Nội ở vòng 4 vừa qua.
Đội hình CLB Thanh Hóa không có ngoại binh xuất sắc hay ngôi sao là các tuyển thủ nổi tiếng. Mùa này, Thanh Hóa gọi Hoàng Thái Bình, cầu thủ năm ngoái góp công trong chiến tích á quân V.League của Hải Phòng, về gia cố hàng phòng ngự. Hàng tiền vệ Thanh Hóa cũng chỉ bổ sung A Mít từ Đà Nẵng về chia lửa với Lê Phạm Thành Long. Trên hàng công, Thanh Hóa cũng chỉ có thêm Lâm Ti Phông, cựu cầu thủ U23 Việt Nam, là đáng chú ý.
Tập thể không ngôi sao của Thanh Hóa vẫn đủ sức làm nên hiện tượng. Nếu hai trận thắng trước Khánh Hòa và Đà Nẵng cùng trận hòa SLNA là chưa đủ thuyết phục, màn trình diễn trước đương kim vô địch Hà Nội ở vòng 4 đã khẳng định Thanh Hóa đáng gờm thế nào ở mùa giải này.
Trước Hà Nội, Thanh Hóa dám chơi đôi công sòng phẳng, không những khắc chế được lối đá tấn công áp đặt mà còn tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm chẳng kém đối thủ. Trận hòa 0-0 của Thanh Hóa trước Hà Nội không hề mờ nhạt như tỷ số mà khẳng định một hiện tượng đang trỗi dậy ở V.League.
Phải đến trận gặp Thanh Hóa, HLV trưởng Bozidar Bandovic của Hà Nội, người từng nhiều lần vô địch Thai League, mới thốt lên: “Tôi nghĩ hôm nay, chúng tôi đã gặp một đội bóng thực sự hay”.
Thanh Hóa để lại dấu ấn nhờ đóng góp không nhỏ của HLV Velizar Popov. Cùng xuất thân từ một nước Đông Âu (Bulgaria), phong cách của Popov mạnh mẽ chẳng kém người tiền nhiệm Ljupko Petrovic. Trên sân tập, HLV Popov giúp tập thể Thanh Hóa kỷ luật về chuyên môn lẫn tinh thần chiến đấu. Trên sân đấu, phong cách chỉ đạo đậm chất lửa của ông truyền nhiệt huyết mạnh mẽ cho học trò.
Sự lì lợm là đặc điểm chung của rất nhiều đội bóng từng qua tay HLV Popov, trong đó gần nhất là U23 Myanmar. Trước khi Popov đến, các cầu thủ trẻ của Myanmar chơi hoa mỹ nhưng vô kỷ luật, có thể rất hay nhưng cũng mong manh và dễ sụp đổ. Sự xuất hiện của HLV Popov đã thay đổi tất cả.
Trong giai đoạn từ 2019 đến 2023, ông Popov biến U23 Myanmar thành tập thể rất khó đánh bại, với thành quả là tấm huy chương đồng SEA Games 30. Khi U23 Myanmar gặp Việt Nam ở SEA Games 31, HLV Park Hang-seo phải thừa nhận: “Nếu để yên cho họ chơi bóng, họ sẽ trình diễn rất hay”.
Nhiều cầu thủ Myanmar vô danh cũng đã đổi đời nhờ tỏa sáng ở SEA Games dưới thời HLV Popov. Hein Htet Aung, Aung Kaung Man hay Lwin Moe Aung đều xuất ngoại sang Thái Lan hoặc Malaysia, những nền bóng đá tốt hơn trong nước. HLV Popov rất có duyên với những đội bóng bình thường như vậy. CLB Thanh Hóa mùa này hứa hẹn sẽ mang lại thêm nhiều dấu ấn dưới sự dẫn dắt của ông Popov.