Rio Ferdinand, cựu danh thủ MU viết điều đó trong cuốn tự truyện “#2sides” được xuất bản năm 2014. Năm 2015, người vợ đầu Rebecca Ellison của Rio qua đời vì bệnh ung thư vú, để lại cho anh ba đứa con. Người mẹ yêu dấu của anh qua đời sau đó 2 năm, cũng do ung thư. Năm 2019, Rio cưới người vợ thứ hai Kate Wright, họ đã có chung một con trai.
Phân biệt chủng tộc chưa bao giờ thực sự biến mất
Câu chuyện của cha mẹ tôi có thể được dựng thành phim. Họ đi dạo cùng nhau và những người qua đường sẽ nhổ nước bọt vào mẹ vì mẹ đi dạo với một anh chàng da đen. Nghe có vẻ giống như một câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi phải không? Nhưng đó là London vào những năm 1970. Đó là thứ tồi tệ mà bố mẹ tôi phải trải qua để có được anh em tôi. Bây giờ tôi là một người cha và vợ tôi là người da trắng. Và tôi không muốn những đứa con tôi phải trải qua những điều tồi tệ tương tự.
Người hàng xóm cạnh nhà tôi gọi tôi là “thằng mọi đen” khi tôi gõ cửa rủ con gái bà ta ra ngoài chơi. Tôi nghe thấy bà ấy nói: “Đừng để thằng da đen đó vào cửa”. Tôi về hỏi mẹ “người da đen là gì?”. Mẹ đi thẳng đến nhà bà ta, đá vào cửa, lôi người phụ nữ ra ngoài và bắt bà ta phải xin lỗi tôi.
Tôi nhớ mình đã tham gia buổi tập đầu tiên ở Charlton. Một đứa gọi tôi là “thằng mọi đen” và chúng tôi lao vào đánh nhau. Phản ứng của HLV John Cartwright thật tuyệt vời. Ông ấy bước vào, đứng về phía tôi, bắt cậu kia xin lỗi và cấm cậu ấy trong vài tuần. Tôi lúc đó còn chưa ký hợp đồng với Charlton. Tôi rất ấn tượng.
Sau này, tôi mới nhận thức được sự phân biệt chủng tộc trong bóng đá chuyên nghiệp. Tôi nhìn thấy bức ảnh người hùng John Barnes của tôi khinh khỉnh ăn quả chuối mà một số kẻ phân biệt chủng tộc đã ném vào anh ta trên sân. Tôi biết những cầu thủ như Paul Ince, Brendon Batson và Viv Anderson đau buồn.
Tôi cũng tận mắt chứng kiến sự phân biệt chủng tộc ở SVĐ khi cùng một người bạn đi xem Millwall đấu với Derby. Derby có bốn hoặc năm cầu thủ da đen và tất cả họ đều chơi tốt. Lão già ngồi trước chúng tôi hét, “lũ khốn da đen, hãy đuổi chúng về nơi chết tiệt của chúng”. Có một cảnh sát đứng ngay bên cạnh tôi. Tôi nhìn viên cảnh sát, còn lão già nhìn xuyên qua tôi như chưa nói gì. Sau đó, lão già nói: “Không phải cậu, tôi chỉ là những người trên sân”.
Tôi chưa bao giờ nghe bất cứ điều gì như thế ở West Ham. Dường như không bao giờ có vấn đề gì với người da đen chơi cho West Ham. Vào những năm 1970, họ có Clyde Best và Ade Coker. Paul Ince đã đi qua đó, George Parris cũng vậy. West Ham luôn có một vài cầu thủ da đen. Tôi cảm thấy rất thoải mái ở CLB. Đến cuối những năm 1990 và 2000, tình hình cải thiện trên cả nước. Bạn không còn nghe thấy những bình luận phân biệt chủng tộc nhiều tại Anh nữa.
Ngày 15/10/2011, MU đấu với Liverpool tại Anfield. Phút thứ 60, khi Patrice Evra theo sát Luis Suarez ở một quả phạt góc, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi ở cách đó vài thước và không nghe thấy gì. Trích dẫn từ báo cáo sau đó của FA, cuộc trò chuyện diễn ra như sau.
Patrice Evra: Chết tiệt, sao cậu đá tôi?
Luis Suarez: Bởi vì cậu là người da đen.
Patrice Evra: Nói lại tôi nghe, tôi đá anh đấy.
Luis Suarez: Tôi không nói chuyện với người da đen.
Patrice Evra: OK, bây giờ tôi nghĩ tôi sẽ đấm cậu.
Luis Suarez: OK, đồ đen, đồ đen, đồ đen.
Đó là một người Pháp và một người Uruguay nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha nhưng cuộc trò chuyện và hậu quả của nó đã trở thành tin tức lớn ở Anh trong nhiều tháng. Sau nhiều tranh cãi, Suarez bị FA kết tội phân biệt chủng tộc, phạt tiền và cấm thi đấu 8 trận.
Ở MU, chúng tôi ủng hộ Pat. Chúng tôi biết anh ấy là một người nghiêm túc, chính trực. Trước đây, anh ấy chưa bao giờ nói dối về bất cứ điều gì, tại sao bây giờ phải nói dối? Ngược lại, các cầu thủ và HLV Liverpool ủng hộ người của họ theo bản năng, nói rằng Suarez là một chàng trai tuyệt vời. Cách họ mặc áo phông ủng hộ Suarez để lại dư vị khó chịu. Họ muốn thể hiện tình đoàn kết với đồng đội của mình, nhưng họ đã bỏ lỡ việc lớn hơn. Họ đã lẫn lộn giữa đúng và sai.
Mọi người chỉ nói suông rằng phân biệt chủng tộc là một điều xấu. Nhưng rõ ràng là họ không biết phân biệt chủng tộc thực sự là gì, hoặc các nạn nhân của nó cảm thấy thế nào. Thật là một cú sốc khi phát hiện ra rằng nạn phân biệt chủng tộc chưa bao giờ thực sự biến mất, nó chỉ được che giấu tốt hơn nhiều so với trước đây. Chúng tôi đã bị ru ngủ trong một cảm giác an toàn giả tạo.
“Tôi không nói chuyện với Cole và Terry nữa”
8 ngày sau sự cố giữa Evra và Suarez, tôi ngồi ở nhà xem TV trận QPR đấu với Chelsea. QPR đang thắng 1-0, và em trai Anton của tôi đã có một trận đấu tuyệt vời ở hàng thủ QPR.
Khoảng 5 phút trước khi kết thúc trận đấu, Anton và John Terry tranh cãi trong vòng cấm QPR. Đạo diễn truyền hình cắt cận cảnh. Bạn không cần phải là một nhà đọc khẩu hình chuyên nghiệp để biết rằng Terry, đội trưởng đội tuyển Anh, đối tác phòng thủ của tôi trong ĐTQG nhiều năm, vừa nói: “đồ điếm mọi”.
Vấn đề có thể và lẽ ra phải được giải quyết một cách sạch sẽ và nhanh chóng theo cách có thể cho phép mọi người, bao gồm cả Terry, xuất hiện một cách đàng hoàng. Thay vào đó, nó mưng mủ khủng khiếp trong gần một năm và gây ra tác hại lớn.
Cảnh sát, hành động theo đơn khiếu nại nặc danh từ công chúng, buộc tội Terry phân biệt chủng tộc Anton. Terry phủ nhận cáo buộc và nhiều lần đưa ra những lời giải thích khác nhau.
Sau phiên tòa kéo dài 5 ngày, vào tháng 7/2012, tức là 9 tháng sau khi vụ việc xảy ra, anh ta được tuyên bố trắng án. 2 tháng sau, Ủy ban Kỷ luật của FA kết luận hành vi của Terry thành lập, cấm thi đấu 4 trận và phạt 220.000 bảng.
Tại thời điểm này, Terry vẫn khẳng định mình vô tội. Nhưng 2 tuần sau, anh ấy đưa ra một lời xin lỗi kiểu “gửi mọi người”, nói rằng mặc dù anh ấy “thất vọng” trước quyết định của FA. Nhưng anh ấy chưa bao giờ xin lỗi tôi hay Anton.
Sự nghiệp với ĐTQG của tôi bị hủy hoại, trong khi Terry bị FA tước băng đội trưởng, dẫn đến bất đồng giữa HLV Fabio Capello và FA, và Capello từ chức. Terry cũng kết thúc với ĐTQG sau Euro 2012.
Anton, bên vô tội trong tất cả điều này, bị hủy hoại sự nghiệp và phải chịu những lời đe dọa tính mạng, những viên đạn nhét vào thùng thư của cậu ta. Kẻ nào đó đập vỡ cửa sổ nhà mẹ tôi và đặt viên đạn vào đó đe dọa.
Mẹ tôi phải nhập viện vì quá căng thẳng. Tôi cảm thấy rằng các cơ quan pháp lý và bóng đá đã phạm sai lầm trong suốt quá trình. Cả Terry và Ashley Cole nữa.
Người ta nghĩ Anton kiện Terry ra tòa. Điều đó hoàn toàn sai. Anton còn kêu gọi cơ quan cảnh sát không truy tố. Anton luôn nói rõ rằng cậu ấy không nghe thấy những lời nói trên sân. Chính các luật sư của Terry triệu Anton tới tòa chứ không phải ngược lại. Anton không phải là kẻ chủ mưu của bất kỳ điều gì trong việc này.
Chelsea làm mọi thứ để bảo vệ đội trưởng của họ, kể cả xúi giục Ashley Cole ra tòa cho lời khai giả. Ash, một người bạn tốt của tôi và biết Anton từ khi còn nhỏ, phản bội tình bạn đó. Ash là chàng trai tốt, gia đình chúng tôi đi nghỉ cùng nhau. Với Ash, mọi chuyện kết thúc vào ngày anh quyết định ra tòa.
Nhìn lại, tôi biết Ash bị áp lực. Tôi suy nghĩ rất lâu về điều này và nghĩ có thể Ash sẽ làm theo cách khác được. Anh ấy nên nói với Terry: “Làm ơn đừng để tôi dính vào chuyện này vì nó sẽ hủy hoại mối quan hệ của tôi với Rio nếu tôi đi với bạn, hoặc hủy hoại mối quan hệ của tôi với bạn nếu tôi chống lại bạn”.
Vào thời điểm đó, Ash có thể đến gặp tôi và nói: “Rio, anh ấy không nói điều đó đâu” và tôi sẽ tin anh ấy. Chỉ cần có cuộc trò chuyện như những người đàn ông. Chúng ta biết nhau từ khi còn nhỏ. Lẽ ra anh ấy nên đến gặp tôi với tư cách là bạn và giải thích rằng anh ấy đang ở trong một tình thế khó xử. Nhưng anh ấy không làm điều gì hết.
Kẻ ngốc nhất trong tất cả là Terry, người lẽ ra có thể giúp mọi người bớt đau đớn bằng cách thừa nhận ngay lập tức rằng, anh ta sử dụng những từ ngữ đó trong lúc nóng nảy nhưng không có ý phân biệt chủng tộc. Tôi vẫn không tin Terry là một người như vậy, nhưng anh rõ ràng đã xử lý tình huống không tốt. Tôi không còn nói chuyện với Ash hay Terry nữa.