Vẫn sẽ có những sự khác biệt lớn, bởi lẽ Erling Haaland lẫn Kylian Mbappe đều nhận thức rõ mình đang ở đâu. Bên cạnh đó, quan trọng nhất có lẽ là “đòn bẩy” giúp cả hai gương mặt kể trên vụt sáng thành ngôi sao lớn, qua đó tạo nên sự cạnh tranh gắt gao như cách Cristiano Ronaldo và Lionel Messi từng làm ở giai đoạn 2008 – 2018.

Chưa đầy một tuần trước, truyền thông liên tục tung ra những thông tin bất ngờ về cả Erling Haaland lẫn Kylian Mbappe, bất chấp việc họ chỉ vừa ký hợp đồng mới với CLB chủ quản trong vòng 6 tháng. Khi Erling Haaland cập bến Manchester City, đại diện của anh đã cài vào điều khoản giải phóng hợp đồng có hiệu lực từ năm 2024.

How Haaland and Mbappe are using leverage in ways Messi and Ronaldo never did - Bóng Đá

 Mbappe và Haaland là 2 ngôi sao được quan tâm nhất của làng túc cầu vào thời điểm này.

Cụ thể, chỉ những đội bóng không chơi tại Premier League mới có thể chiêu mộ chân sút người Na Uy với mức phí 175 triệu bảng (200 triệu euro). Con số này giảm dần qua từng năm và giao kèo giữa Erling Haaland cùng Manchester City có thời hạn đến năm 2027. Song song vấn đề hợp đồng của Erling Haaland, làng túc cầu lại dậy sóng vì Kylian Mbappe.

Cây viết Julien Laurens tiết lộ, Kylian Mbappe đang tìm mọi cách để rời PSG ngay trong tháng Giêng tới. Bởi lẽ, gia đình Kylian Mbappe cho rằng việc để anh tiếp tục gắn bó với đội chủ sân Parc des Princes là một sai lầm. Hồi tháng Năm vừa qua, đáng lẽ cầu thủ sinh năm 1998 đã có thể chia tay PSG và trở thành cầu thủ tự do. 

Câu chuyện của Erling Haaland và Kylian Mbappe trái ngược hoàn toàn với hai vị “tiền bối” Lionel Messi cùng Cristiano Ronaldo trong quá khứ. Lionel Messi trưởng thành từ Barcelona và thể hiện tầm ảnh hưởng khủng khiếp tại SVĐ Camp Nou trong suốt 18 năm. Nguyên nhân duy nhất khiến El Pulga phải chia tay Blaugrana đó chính là cuộc khủng hoảng tài chính do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Cristiano Ronaldo gia nhập Manchester United từ Sporting Lisbon khi mới 18 tuổi. Ở Old Trafford, CR7 được mài giũa và chỉ dạy bởi những cái tên đình đám như Ryan Giggs, Paul Scholes và đặc biệt là người thầy Sir Alex Ferguson. Sau 6 năm gắn bó, Cristiano Ronaldo ra đi và cập bến Real Madrid vào năm 2009 với số tiền 80 triệu bảng, con số kỷ lục thế giới lúc bấy giờ.

Hay nói cách khác, con đường Erling Haaland và Kylian Mbappe rất khác Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Erling Haaland trở thành cỗ máy ghi bàn ở tuổi 22 và chuyển đội bóng 4 lần, trong khi con số của Kylian Mbappe là 2 lần. Không giống Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, luôn có những đồn đoán về tương lai của Erling Haaland lẫn Kylian Mbappe ở mọi thời điểm.

Phần lớn là vì ở thời niên thiếu, Lionel Messi lẫn Cristiano Ronaldo đều đang chơi cho các CLB hàng đầu. Sẽ chẳng ai muốn rời những đội bóng như Barcelona và Real Madrid hoặc cả Manchester United. Erling Haaland không như vậy, anh chỉ tỏa sáng ở các đội bóng ít tham vọng như Molde, RB Salzburg hay sau này là Borussia Dortmund.

How Haaland and Mbappe are using leverage in ways Messi and Ronaldo never did - Bóng Đá

 Ronaldo lẫn Messi từng thi đấu rất bùng nổ khi còn chơi cho M.U và Barcelona.

Với Kylian Mbappe, anh chơi bóng tại giải đấu không được đánh giá cao là Ligue 1. Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu sau World Cup 2022, liệu giới chủ Qatar có còn duy trì quy trình đầu tư như đã làm tại PSG. Nhưng xét đến một khía cạnh khác, sẽ cực kỳ thú vị nếu Kylian Mbappe cùng Erling Haaland lần lượt ra đi vào năm 2024.

Những cố vấn của Erling Haaland gồm người bố Alfie Haaland và Rafaela Pimenta luôn đảm bảo anh sẽ có điều khoản giải phóng hợp đồng ở mọi CLB mình đầu quân (20 triệu euro để rời RB Salzburg; 60 triệu euro để rời Borussia Dortmund và 200 triệu euro cho trường hợp chia tay Manchester City, đồng thời giảm dần theo từng năm đến khi kết thúc hợp đồng).

HLV Pep Guardiola tỏ ra thận trọng khi nói về hợp đồng của cậu học trò cưng. Về cơ bản, điều khoản giải phóng của Erling Haaland chỉ có hiệu lực ở năm 2024. Và ai biết được, trong hợp đồng của chân sút người Na Uy có cài điều kiện tất cả các bên phải phủ nhận sự tồn tại của điều khoản giải phóng kể trên? Thế nhưng, cả Erling Haaland và Manchester City đều có thể hưởng lợi nếu cầu thủ này ra đi.

Nhìn chung, việc công khai số tiền giải phóng hợp đồng là tương đối nhạt nhẽo và lố bịch. Bởi lẽ, cả cầu thủ và đại diện của anh ấy đều biết rõ điều khoản ấy có tồn tại hay không và mức phí nào để kích hoạt điều khoản ấy. Nếu không, điều đó mang lại ý nghĩa gì? Câu trả lời chính là “cú hích” như cách ban cố vấn của tiền đạo 22 tuổi từng làm khi anh còn chơi cho Borussia Dortmund.

Tương tự, Manchester City cũng khá kỷ luật trong các hợp đồng với cầu thủ của mình. Đội chủ sân Etihad sẽ nghĩ đến phương án tốt nhất để những cái tên đã lớn tuổi hoặc không còn khát khao cống hiến ra đi, như trường hợp của Gabriel Jesus cùng Raheem Sterling. Có lẽ, sẽ rất kỳ lạ nếu Manchester City không chấp nhận hợp đồng của Erling Haaland có điều khoản giải phóng.

Hãy đặt ví dụ, nếu có ai đó muốn mua Erling Haaland vào năm 2024, The Citizen cũng đã hưởng lợi rất nhiều từ chân sút người Na Uy trong vòng 2 năm. Và ngay thời điểm đó, Manchester City có thể đàm phán với Erling Haaland về một giao kèo mới (có lẽ không gồm điều khoản giải phóng). Nếu Erling Haaland muốn ra đi? Nghe này, đội chủ sân Etihad đã kiếm được khoản lợi nhuận lên tới 140 triệu euro.

Sẽ có những trường hợp một cầu thủ chấp nhận giảm lương để đổi lấy điều khoản giải phóng và hoàn toàn chủ động trong việc đi ở. Thế nhưng, ở Tây Ban Nha lại hoàn toàn khác. Theo Luật lao động ở đất nước này, một cầu thủ có thể tự bỏ ra số tiền cụ thể để “mua” hợp đồng của chính mình và trở thành cầu thủ tự do (sau đó được CLB mới hoàn lại bằng hình thức khác).

How Haaland and Mbappe are using leverage in ways Messi and Ronaldo never did - Bóng Đá

 Đang thăng hoa, tuy nhiên Erling Haaland vẫn có khả năng sớm chia tay sân Etihad.

Nghe có vẻ lố bịch, vì thực tế mức phí giải phóng được các đội bóng Tây Ban Nha đặt ra cao đến mức vô lý. Không ai chi cho Karim Benzema 1 tỷ euro để anh tự phá vỡ điều khoản giải phóng của mình tại Real Madrid, trừ trường hợp đặc biệt của Neymar tại Barcelona. Với Manchester City, họ mua Erling Haaland nhờ mức phí giải phóng 60 triệu euro (kém có thể gấp 3 lần giá trị thị trường của tiền đạo sinh năm 2000).

Và để công bằng hơn, đội chủ sân Etihad đã cho Erling Haaland những thứ mà cầu thủ này muốn như mức hoa hồng lớn cho đại diện hoặc cơ cấu tiền thưởng có lợi. Những gì Erling Haaland và Kylian Mbappe (có sự tác động của cố vấn/gia đình) lựa chọn vượt xa giá trị của đồng tiền. Đó có thể là sự tự do, hạnh phúc và cơ sở để gia nhập một CLB khác dễ dàng hơn.

Một số người cho rằng để đạt được điều đó, các cầu thủ phải rất giỏi. Một số khác lại cho rằng đó là cách mà những cầu thủ thuộc thế hệ Gen Z (sinh ra từ năm 1997 – 2012) lựa chọn. Dù thế nào đi nữa, Erling Haaland và Kylian Mbappe vẫn có thể trở thành kỳ phùng địch thủ giống Lionel Messi và Cristiano Ronaldo, nhưng theo cách không ai nghĩ đến. 

Theo Gab Marcotti – ESPN

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link