Trước khi vào trận, Tây Ban Nha đã xác định được việc mình có thể gặp đối thủ nào khi bảng F kết thúc với Morocco nhất và Croatia nhì bảng. Nếu thắng hoặc hòa Nhật Bản, Tây Ban Nha sẽ gặp Croatia ở vòng 1/8.
So với việc đấu với Morocco tại vòng knock-out đầu tiên ở vai trò đội nhì bảng, viễn cảnh đứng đầu bảng và gặp khó trước Croatia rõ ràng đáng để cân nhắc việc lựa chọn một thế trận hợp lý trước Nhật Bản.
Trước vòng cuối, Tây Ban Nha cũng chưa chắc suất đi tiếp. Tuy nhiên, viễn cảnh “La Roja” mất vé chỉ đến trong trường hợp khả dĩ nhất là Costa Rica thắng Đức còn đội bóng của Luis Enrique thua Nhật Bản (trường hợp Đức thắng Costa Rica với hiệu số đủ để san lấp khoảng cách với Tây Ban Nha có thể bỏ qua vì tương đối phi lý).
Tuy nhiên, việc Đức dẫn trước Costa Rica từ rất sớm ở trận đấu cùng giờ và Tây Ban Nha cũng sớm dẫn Nhật Bản khiến thầy trò Enrique có quyền toan tính.
Tây Ban Nha thực tế đã có khoảng 3 phút bị đẩy khỏi hai vị trí dẫn đầu bảng F. Nhưng quãng thời gian này quá ngắn và như ông Enrique thừa nhận bản thân “không hề nhận ra điều này”.
Về logic, Tây Ban Nha rõ ràng đủ khôn ngoan để biết cách gạt giò Đức, đội đã hòa họ 1-1 trong thế tạo ra cực nhiều cơ hội ăn bàn mười mươi. Gặp lại đối thủ kiểu này ở vòng knock-out khá nguy hiểm trong tham vọng vô địch của “Bò tót”.
Về cảm tính, nếu nhìn vào phần lớn đội hình tuyển Tây Ban Nha và Đức, không khó để giới mộ điệu lắp ráp logic theo thuyết âm mưu. 7 trong số 16 cầu thủ Tây Ban Nha sử dụng trước Nhật Bản đang chơi cho Barca. Tại tuyển Đức, 7 trong số 11 cầu thủ đá chính trước Costa Rica là người của Bayern.
6 trong số này có mặt ở trận thắng 8-2 của Bayern trước Barca tại Champions League. Những nhân tố mới của Barca như Ferran Torres, Balde, Gavi… cũng bị Bayern đè ngửa tại Champions League cách đây chỉ vài tháng. Nhìn vào các nỗi đau kiểu này, nếu có cơ hội để trả hận thì xem chừng các ngôi sao của Tây Ban Nha cũng sẵn sàng làm.
Tuy nhiên, nếu coi việc Đức bị loại là hệ quả của các liên hệ cảm tính xen lẫn logic đã nêu, thì rõ ràng thiếu tôn trọng với đội thắng cuộc: Nhật Bản.
Tây Ban Nha trên thực tế là đội tuyển sở hữu lối đá lẫn tư duy rất riêng biệt trong bóng đá. Ngay cả khi dẫn bàn, “La Roja” vẫn không từ bỏ quyền kiểm soát bóng. Ngược lại, càng dẫn bàn, Tây Ban Nha càng muốn “đá ma” với đối thủ trước khi tìm cơ hội ghi thêm nhiều bàn thắng.
Trong trận đấu với Nhật Bản trên sân Khalifa, Tây Ban Nha của Enrique đã kiểm soát bóng tới 82,3%, sút tới 7 lần sau khi thua ngược. Con số này trực tiếp biến Nhật Bản với 17,7% thời lượng kiểm soát bóng đi vào lịch sử World Cup với tư cách đội thắng cuộc cầm bóng ít nhất.
Bàn gỡ hòa của Ritsu Doan là một biểu tượng cho tinh thần, sự liều lĩnh lẫn chất lượng trong cả đấu pháp lẫn từng cá nhân của Nhật Bản. “Samurai xanh” đã dồn tới 7 người đến quanh vùng cấm của Tây Ban Nha để pressing tổng lực, buộc Unai Simon mắc sai lầm.
Ngay khi giành lại được bóng từ tranh chấp trên không, Ritsu Doan lập tức đón bóng hai, xử lý tình huống cực nhanh để ghi bàn từ cú sút xa. Không đội tuyển nào chỉ nhờ đối thủ nhả để đi tiếp sở hữu chất lượng kiểu này.
Bàn ấn định tỷ số của Ao Tanaka có thể vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi về vị trí của bóng trước khi được tạt vào. Song đừng quên Kaoru Mitoma đã đi đến cùng khi bóng tưởng chừng hết đường biên. Tinh thần không bỏ cuộc kiểu này nếu bị đánh đồng với sự may mắn khi được đối thủ “nhả” thì hơi đáng buồn cho những bên đang nghĩ tới thuyết âm mưu.
Trên hết, nếu nghĩ Tây Ban Nha nhả Nhật Bản để loại Đức, giới quan sát hoàn toàn lại rơi vào bẫy định kiến về châu Á tại sân chơi World Cup. Bóng đá của lục địa đông dân nhất thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng xứng đáng được tôn trọng và ghi nhận.