Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc nhưng thường bị che giấu. Ngay cả chính quyền địa phương cũng coi nó là “chuyện riêng”, khiến nạn nhân bị đẩy tới đường cùng.
Chen Changyu, một thanh niên đến từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), đã chiến đấu trong vụ kiện dài hơi chống lại chính cha đẻ của mình suốt một năm qua.
Ngày 28/07/2021, mẹ của Chen bị thiêu sống và tử vong vì vết thương quá nặng, nghi phạm chính là cha anh, ông Chen Jiwen.
Chen quyết tâm đưa cha mình ra tòa, nhưng động thái này khiến anh bị người thân bên nội chỉ trích là “bất hiếu”, “vô đạo đức”. Họ nói rằng: “Mẹ của cháu đã mất, giờ chỉ còn lại cha là người thân mà cũng đi báo cảnh sát được sao?”.
Bà nội mắng nhiếc Chen không ngớt lời, oán trách cháu vì đưa cha mình ra tòa. Người dân trong làng khuyên giải nam thanh niên nên bình tĩnh, làm hòa với cha.
Nhưng Chen Changyu kiên quyết không đổi ý. Chứng kiến mẹ mình chịu đau khổ suốt nửa đời người, anh hoàn toàn tin vào những lời buộc tội đối với cha, kiên quyết không tha thứ cho ông và hy vọng cha mình sẽ bị kết án tử hình.
Li Ying, luật sư hỗ trợ của Chen Changyu, đã tham gia hỗ trợ phúc lợi công cộng chống bạo lực gia đình, vấn nạn được ví như “đại dịch đen”, ở Trung Quốc trong 20 năm. Bà nhận thấy nhiều nạn nhân bị chính người thân, bạn bè trách móc.
“Người thân, bạn bè sẽ nghĩ rằng ‘luật pháp không thể can dự vào chuyện gia đình’. Ví dụ, họ coi giết người khác là tội ác, nhưng giết người thân không phải là tội ác hoặc chỉ là tội nhẹ. Đây là một loại tiêu chuẩn kép, giống như chuyện trong nhà không bị pháp luật khống chế, cái gì cũng có thể tha thứ”, Li nói với The Paper.
Vì vậy, nữ luật sư rất ủng hộ chuyện “con kiện cha” của Chen Changyu, nói rằng vụ án của anh sẽ mang lại ý nghĩa xã hội nhất định, khiến mọi người nhận ra gia đình không phải là lớp vỏ bọc bảo vệ cho tội phạm.
Bi kịch gia đình
Trong ấn tượng của Chen Changyu, cha mình là một người thất thường và nóng nảy, dùng bạo lực với những chuyện vặt vãnh thường ngày.
Từ nhỏ, người con trai cũng thường xuyên chứng kiến những trận đòn bạo lực mà cha giáng xuống mẹ mình, bà Yu Xiuying. Nhiều lần, Chen phải chạy sang nhà hàng xóm cầu cứu người tới giúp.
Lần bạo hành nghiêm trọng nhất là vào năm 2019, Chen thấy cha chĩa dao vào người mẹ. Anh chạy lên để cản cha lại nhưng bị ông hung hăng chém vào tay. Bà Yu dùng thân mình đỡ cho con trai và bị đấm, đạp liên tiếp vào người.
Đó cũng là lần đầu tiên Chen nỗ lực cứu mẹ bằng cách báo cảnh sát. Nhưng câu trả lời cậu nhận được là: “Đó là chuyện riêng gia đình, chúng tôi không quản được”.
Người mẹ biết chuyện, liền khuyên con trai quay về xin lỗi cha, nói rằng bản thân có thể chịu đựng được.
Thế nhưng, sóng gió trong gia đình vẫn tiếp diễn. Giữa tháng 3/2021, một vụ cãi vã nghiêm trọng nổ ra. Người chồng đổ xăng lên vợ, châm lửa và cũng tự thiêu trong căn nhà. Bà Yu bị bỏng 55%, chịu các biến chứng như suy tim cấp tính.
Khi đó, Chen Changyu đang đi làm xa ở Quảng Đông. Khi chạy tới bệnh viện nhân dân số 1 thành phố Qujing, anh nhìn thấy mẹ bị cháy đen và cơ thể đầy vết bầm tím. Anh lập tức gọi cảnh sát và quay video bằng chứng cho mẹ mình.
Ngày hôm sau, khi cảnh sát đến, Chen Jiwei thừa nhận trước camera của cơ quan thực thi pháp luật rằng ông ta đã phóng hỏa và nói vì bản thân “không muốn sống nữa”.
Chen Jiwen chỉ bị thương nhẹ và xuất viện sớm.
Nhưng vết thương của Yu mãi không lành. Sau một tháng rưỡi nằm viện, Yu được em gái đưa về nhà chăm sóc vì không thể tiếp tục trả viện phí.
Vì bỏng nặng, cả cơ thể Yu lúc nào cũng đau nhức. Bác sĩ từng đề nghị ghép da cho Yu nhưng khoản chi phí hàng triệu nhân dân tệ quá lớn, vượt khỏi khả năng kinh tế của gia đình.
Ngày 28/7/2021, Yu Xiuying qua đời ở tuổi 41 vì vết thương quá nặng. Giấy chứng nhận y tế cho thấy nguyên nhân tử vong là nhiễm trùng bỏng và sốc mất máu.
Sau khi nhận được báo cáo khám nghiệm tử thi của mẹ mình, Chen Changyu đã kiên quyết kiện cha mình và quyết định không cho phép chôn cất mẹ cho đến khi công lý được thực thi.
Bạo lực gia đình không phải chuyện riêng tư
Nạn nhân của bạo lực gia đình thường bị thao túng bởi những quan niệm cũ. Thực tế, khi còn sống, mẹ của Chen đã được khuyên và cũng nghĩ tới chuyện ly hôn, nhưng rất khó để ra quyết định.
“Ở nông thôn, ly hôn là chuyện xấu. Còn có cả Chen Chanyu nữa, một người phụ nữ như Yu có thể mang con nhỏ bỏ đi đâu được chứ. Trong muôn vàn lo lắng, cô ấy chỉ có thể kéo dài cuộc hôn nhân kéo dài này”, Li phán đoán.
Gần một năm sau khi mẹ qua đời, Chen Changyu nhận được giấy triệu tập của tòa án và biết rằng vụ án cố ý giết người của cha cuối cùng sẽ được tổ chức tại Qujing, tỉnh Vân Nam.
Vào ngày 21/07/2022, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Qujing. Tại tòa, Chen Jiwei không chịu nhận tội và cho rằng vợ là người đã đổ xăng lên người mình, sau đó tòa tuyên bố hoãn xử và không tuyên án tại tòa.
Kể từ đó, Chen Changyu bước vào một thời gian dài chờ đợi.
Luật sư hỗ trợ Li Ying đã theo dõi toàn bộ quá trình xét xử. Cô hiểu rõ rằng có rất nhiều thách thức trong những trường hợp tương tự từ khi báo cáo đến khi kết tội, và trường hợp của Chen Jiwei không phải ngoại lệ.
Trong 20 năm tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Li đã tiếp nhận gần 500 vụ, mỗi vụ đều có tính chất phức tạp vốn có.
Sau khi Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp Trung Quốc phối hợp đưa ra “Ý kiến về việc xử lý các vụ bạo lực gia đình theo pháp luật” vào năm 2015, một cải tiến lớn đã diễn ra.
Thời điểm đó, Li Ying đang theo dõi một trường hợp điển hình về “dùng bạo lực kiểm soát bạo lực”: một người chồng quanh năm đi ăn nhậu, chơi gái và cờ bạc, khi về đến nhà thì bạo hành vợ một cách thô bạo, cầm dao đuổi đánh khiến người vợ phải nhảy xuống hồ.
Người vợ là Lu Weidang trốn cả đêm mới may mắn giữ được mạng sống.
Sau này, chồng có bồ nhí bên ngoài, Lu cảm thấy mình “bị bỏ rơi như giẻ rách”. Không chịu đựng nổi, cô dùng thanh sắt và con dao làm bếp ra tay sát hại chồng rồi tự ra đầu thú.
Li nói rằng bà cảm nhận sâu sắc tầm quan trọng của sự can thiệp hiệu quả quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, dù bạo lực gia đình đã được pháp luật thừa nhận, việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn nhiều khó khăn.
“Điều khó khăn nhất trong một vụ án bạo lực gia đình là bằng chứng”, Li nói.
Bạo lực gia đình thường được giấu kín, ít người chứng kiến nên các bên khó thu thập chứng cứ một cách hiệu quả. Hơn nữa, một số thủ phạm có trình độ học vấn nhất định lại biết cách lẩn tránh chứng cứ nên việc xác định tội phạm càng khó khăn hơn.
Qua các cuộc phỏng vấn và nghiên cứu, Li Ying nhận thấy người vợ này chưa từng báo cảnh sát vì bạo lực gia đình, dù những người sống xung quanh thường nghe thấy tiếng la hét lúc nửa đêm.
Những nhân chứng cũng khai trước tòa rằng Lu có nói cô bị chồng đánh nhưng mọi người chỉ “an ủi”.
Li Ying nhận thấy thân chủ đã gặp phải tình huống “bạo lực gia đình kéo dài”, đồng thời cũng đáp ứng các điều kiện của một vụ án ít nghiêm trọng hơn nên bà đã viện dẫn các quy định liên quan để bào chữa.
Tòa án cuối cùng đã thông qua ý kiến của Li và cho phép người vợ được hưởng mức án nhẹ 5 năm tù giam. Vụ án này trở thành trường hợp đầu tiên áp dụng “Ý kiến về việc xử lý các vụ bạo lực gia đình theo pháp luật”.
Theo Đinh Phạm (zing) – Ảnh: T.H