Sau nhiều tuần cầu cứu cảnh sát và các quan chức ở 3 đất nước, Alexandra Saper mới có thể thoát khỏi kẻ theo dõi có ý định bắt cóc cô.

Alexandra Saper phải rời Bali sau khi bị kẻ bám đuôi đe dọa bắt cóc.

Alexandra Saper (31 tuổi, người Mỹ) đã rời Bali, Indonesia sau khi Robert Keating, người lập nhiều tài khoản Instagram để gửi tin nhắn quấy rối, khủng bố tinh thần Saper, đến hòn đảo nghỉ dưỡng vào ngày 29/1, theo The Straits Times.

Saper cho biết trước đó cô đã tự an ủi bản thân rằng Keating có vấn đề về tâm lý, nhưng sẽ không trở thành mối đe dọa trên thực tế.

“Tôi kể cho cha mẹ, bạn bè và tất cả đều chỉ nghĩ rằng anh ta bị bệnh tâm thần. Anh ta sẽ không làm những chuyện này”, luật sư trở thành blogger du lịch, người có hơn 100.000 người theo dõi trên Instagram, cho biết.

Nhưng sau đó, Keating, được cho là cựu nhân viên quản lý giao thông 38 tuổi đến từ Horsham (West Sussex, Anh), đã liên hệ với bạn bè Saper để hỏi tung tích của cô và gửi tin nhắn về ngày đi du lịch của mình.

“Khi anh ta đến Bali, cuối cùng tôi đã nhận ra đây là mối nguy hiểm thực sự”, Saper nói.

Hai tuần cầu cứu

Blogger đã báo cáo với cảnh sát địa phương và chuyển đến sống cùng bạn bè. Hôm 15/2, Saper, người gọi Keating là kẻ “loạn trí” và “ảo tưởng” trong các bài đăng của mình, thông báo trên Instagram rằng cô đã trốn đến “một nơi nào đó trên thế giới, nơi tôi biết mình sẽ không bị truy tìm”.

Trên mạng xã hội, Keating, hiện vẫn ở Bali, bày tỏ rõ ràng sự hâm mộ đến mức ám ảnh của mình với Saper, thậm chí gọi cô là “nữ hoàng của tôi”.

Trong một clip, anh đội mũ lưỡi trai và mặc áo khoác màu đen, kéo cổ áo lên quanh mũi trước khi hét vào ống kính: “Tôi sẽ bắt cóc bạn”.

Alexandra Saper là một blogger du lịch, chuyển đến Bali sinh sống cách đây 5 năm.

Sau gần hai tuần thu thập bằng chứng và gọi điện, gửi email cầu cứu cơ quan chức năng, Saper được cảnh sát khu vực ở Sussex thông báo vào tuần trước rằng họ đã chỉ định các sĩ quan phụ trách trường hợp của cô, đồng thời gọi vụ việc là “cực đoan” với nghi phạm có dấu hiệu bạo lực.

“Vì đã có tất cả bằng chứng rõ ràng, tôi hy vọng họ sẽ hành động nhanh chóng”, Saper cho hay.

Năm 2022, Indonesia thông qua luật quy định quấy rối tình dục và theo dõi trực tuyến là một tội ác.

Nhưng cảnh sát Bali bị truyền thông nước ngoài chỉ trích vì hành động quá chậm trễ trong việc bảo vệ Saper, điều mà các quan chức địa phương phủ nhận.

Cảnh sát trưởng Leo Dedy Defretes, người giám sát quận Badung nơi Saper sinh sống, nói: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ cô Alexandra và cộng đồng”.

Suy sụp, khủng hoảng

Chi tiết về các biện pháp của cảnh sát không được công bố để tránh bị can thiệp vào quá trình điều tra. Tuy nhiên, quan chức địa phương cảnh báo chuyến bay rời Bali của Saper có thể cản trở cuộc điều tra.

Các nhà điều tra đã thông báo cho Đại sứ quán Mỹ thông qua lãnh sự quán ở Bali trong tuần này nhằm cố gắng liên hệ với Saper, để cung cấp thông tin chi tiết giúp họ kết thúc cuộc điều tra.

Cảnh sát cũng thừa nhận thiếu nguồn lực để dịch tất cả bằng chứng mà Saper cung cấp và cần cô chỉ rõ những phần vi phạm.

Saper nói rằng cảnh sát Bali đã thẩm vấn cô thông qua một phiên dịch viên trong hơn 8 giờ đồng hồ, và việc họ khăng khăng yêu cầu cô phải đi giám định tâm lý khiến mình suy sụp.

“Tuy nhiên đây không phải là chuyện của riêng Bali. Tôi không cảm thấy mình được đại sứ quán giúp đỡ. Tôi cũng vô cùng thất vọng với cảnh sát ở Anh, nơi kẻ bám đuôi bắt đầu và sẽ sớm trở lại”.

Thông qua câu chuyện của mình, Alexandra Saper muốn nâng cao nhận thức về hành vi quấy rối trực tuyến.

Trả lời The Straits Times, Keating cho biết các clip mình gửi cho Saper chỉ là “một trò chơi khăm”. Keating cũng bác bỏ đoạn video mô tả anh đe dọa bắt cóc Saper.

“Làm thế nào mà bạn có thể nghiêm trọng hóa chuyện đó như vậy? Tôi là người vui vẻ. Sự ngớ ngẩn là một phần con người tôi”, người đàn ông nói.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Anh tại Jakarta cho biết nhân viên “đã biết về trường hợp này và đề nghị hỗ trợ” cho Saper.

Còn các quan chức Đại sứ quán Mỹ cho biết đang xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

Người phát ngôn Đại sứ quán Michael Quinn nói: “Sự an toàn của công dân Mỹ là ưu tiên số 1 của chúng tôi. Chúng tôi đã liên lạc với các cơ quan có liên quan kể từ thời điểm biết về vụ việc”.

Saper, người lần đầu tiên đến Bali cách đây 5 năm, cho biết mình chỉ muốn quay lại với công việc, cuộc sống bình thường. Cô cho biết hành vi của Keating khiến bản thân bị ảnh hưởng tâm lý, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Khi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, Saper hy vọng có thể sử dụng “đặc quyền” với tư cách là người có ảnh hưởng để nâng cao nhận thức về hành vi quấy rối trực tuyến, buộc cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn những kẻ phạm tội trước khi gây tổn hại về thể xác cho các nạn nhân.

“Nếu đó không phải là tôi, thì anh ta cũng sẽ nhắm mục tiêu đến một người khác ở một quốc gia nào đó”, Saper nói.

Theo Lê Vy (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link