Đi giày không phù hợp với bàn chân, thường xuyên đi dép xỏ ngón, không đi tất… là những thói quen phổ biến làm ảnh hưởng đến đôi chân của mọi người.
Để tìm hiểu về cách giúp đôi chân mọi người luôn khỏe mạnh, Eat This Not That! đã tham khảo ý kiến của 2 bác sĩ chuyên khoa về chân. Dưới đây là 6 thói quen mọi người cần lưu ý để tránh hủy hoại đôi chân.
Đi giày không phù hợp với bàn chân
Theo các chuyên gia, đôi giày mọi người mang khi chơi thể thao, đi dạo công viên giải trí, chạy việc vặt hàng ngày có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bàn chân. Bác sĩ chuyên khoa chân thể thao Dan Geller thông tin một chiếc giày phù hợp với bàn chân là phải vừa vặn với cả ngón chân, giữa bàn chân và gót chân.
“Bạn nên tránh những đôi giày quá chật và gót trượt. Hãy tìm hiểu xem bạn thuộc loại bàn chân nào và cân nhắc một đôi giày hỗ trợ hoặc đệm phù hợp với những gì bạn cần”, ông Geller nói.
Bác sĩ Geller cũng khuyên mọi người cần đảm bảo rằng đôi giày không quá chật vì chúng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho chân. Trong khi đó, bác sĩ phẫu thuật bàn chân Brad Schaeffer thông tin giày mũi nhọn là loại giày tồi tệ nhất, đặc biệt đối với nam giới. Nguyên nhân là nó có một điểm hẹp khiến ngón chân bị chèn ép cùng nhau. Đi giày quá chật là thủ phạm lớn nhất gây ra các vấn đề về chân như sưng ngón chân cái và móng chân mọc ngược.
Đi dép xỏ ngón quá thường xuyên
Ông Geller gọi dép xỏ ngón là “điều có hại” đối với bàn chân. Loại dép này có thể phù hợp khi đi đến bãi biển hoặc thư giãn bên hồ bơi, nhưng mọi người không nên sử dụng chúng thường xuyên để đi bộ.
“Việc thiếu đệm hỗ trợ ở dép xỏ ngón thường gây căng thẳng quá mức lên các vòm và gân Achilles của mọi người. Chúng khiến các ngón chân phải làm việc quá sức bằng cách bám vào mặt trước của dép xỏ ngón để ổn định, điều này có thể dẫn đến tình trạng ngón chân hình búa”, ông Geller lý giải.
Cắt móng chân quá ngắn
Cắt móng chân quá ngắn là một thói quen xấu có thể tàn phá đôi chân. Tiến sĩ Schaeffer khuyên mọi người nên thận trọng khi cắt móng chân. Nếu cắt quá ngắn, khả năng chân bị nhiễm trùng sẽ rất cao.
Đồng quan điểm, ông Geller cũng cho rằng thói quen cắt móng chân quá ngắn là điều tối kỵ.
“Không được cắt móng chân vào các góc vì móng chân mọc ngược sẽ gây đau đớn và nhiễm trùng có thể xảy ra do mô bị tổn thương”, ông Geller nói.
Không đi tất
Không đi tất khi mang giày có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và các vấn đề phổ biến ở chân. Ông Schaeffer cho biết tất sẽ giúp giữ độ ẩm dư thừa – thủ phạm chính gây ra các tình trạng phổ biến ở chân.
Mang một đôi giày nhiều lần
“Mang cùng một đôi giày ngày này qua ngày khác (đặc biệt là trong suốt quá trình tập luyện) cũng có thể khiến giày bị ẩm quá mức. Giày luôn cần khoảng một ngày hoặc lâu hơn để khô hoàn toàn và không làm ảnh hưởng đến chân”, ông Schaeffer nói.
Không chăm sóc chân thường xuyên
Kiểm tra bàn chân là một thói quen nên có trong lịch trình hàng ngày của mỗi người, bao gồm kiểm tra phần da ở lòng bàn chân, giữa các ngón chân và đầu bàn chân. Ông Geller khuyến nghị nếu có bất kỳ tổn thương đáng ngờ nào ở chân, chưa từng thấy trước đây, mọi người nên đi kiểm tra.
Ngoài ra, ông Geller khuyên mọi người thoa kem dưỡng da, xoa bóp cho chân để tránh tình trạng bàn chân bị nứt nẻ, khó chịu.
Theo Minh Uyên (zing) – Ảnh: T.H