Nam bệnh nhân vào phòng cấp cứu trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, ý thức chậm, buồn nôn và có nôn ra thức ăn, phổi thông khí 2 bên giảm.

Thuốc đông y gia truyền mà bệnh nhân đã sử dụng. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin đã tiếp nhận và cấp cứu cho nam bệnh nhân 65 tuổi phản vệ nguy kịch với ‘thuốc đông y gia truyền’ không rõ nguồn gốc.

Bác sĩ Phùng Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, cho biết nam bệnh nhân vào phòng cấp cứu trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, ý thức chậm, buồn nôn và có nôn ra thức ăn, phổi thông khí 2 bên giảm. Người đàn ông này có tiền sử bị dị ứng tằm, tôm cua.

Người nhà cho biết bệnh nhân bị tê bì tay chân nhiều năm, gần đây có cắt thuốc nam cho uống. Sáng cùng ngày vào viện, sau uống thuốc nam, bệnh nhân đang đi làm thì có biểu hiện ngứa, đỏ da rải rác toàn thân.

Khi về nhà, bệnh nhân bôi rượu vào người để giảm ngứa, ngay sau đó triệu chứng mệt mỏi tăng lên. Người đàn ông bị ngã ra nền nhà, gọi hỏi đáp ứng chậm, gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sau khi khai thác tiền sử và triệu chứng, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị phản vệ mức độ nguy kịch và áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ. Bệnh nhân được cấp cứu nhanh, dần ổn định, duy trì huyết áp trong giới hạn và được chuyển khoa hồi sức cấp cứu điều trị.

Ths.BSNT Lưu Quang Minh, khoa Hồi sức tim mạch – Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho hay thuốc đông y là những bài thuốc lành tính, hiệu quả nếu liều lượng phù hợp với thể trạng từng người và được kiểm định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện tràn lan những loại thuốc được quảng bá “gia truyền”, “nhà tôi ba đời” “chữa bách bệnh” mà không cần phải khám bệnh trực tiếp. Những loại thuốc này, thành phần có chứa các loại thuốc giảm đau chống viêm, thường chỉ làm thuyên giảm các triệu chứng mà không điều trị được căn nguyên, gốc rễ của bệnh

Vì vậy, người dân các loại thuốc này sẽ không phù hợp với thể trạng cụ thể của từng người bệnh. Đặc biệt, những loại “đông y gia truyền bách bệnh” này thường trộn thêm các thuốc tây thế hệ cũ của 20-30 năm trước với rất nhiều tác dụng phụ, thậm chí hiện bị cấm sử dụng, dễ dẫn đến ngộ độc cho người dùng lâu dài.

Với quan niệm thuốc đông y làm từ thảo dược, người bệnh có xu hướng dùng thuốc kéo dài mà không có sự kiểm soát của thầy thuốc. Điều này dẫn đến phụ thuộc thuốc, nghiện thuốc, tổn thương hệ nội tiết cùng các cơ quan khác âm thầm, mạn tính, thậm chí có thể không bao giờ phục hồi.

Theo Phương Anh (zing) – Ảnh: T.H

Nguồn: giaitri.thoibaovhnt.com.vn | Copy Link