Từ môn thể thao phổ biến, các nhà sử học gọi bóng đá là “hiện tượng văn hóa lớn nhất mà thế giới từng biết”, ở đó, Messi hay Ronaldo trở thành thương hiệu đắt đỏ.
Từng người một rời khỏi cuộc chơi là cách cây viết Rory Smith của NY Times miêu tả cách các cầu thủ nổi tiếng hàng đầu của làng bóng đá thế giới cùng đội tuyển của họ dừng chân ở World Cup lần này.
Trên băng ghế dự bị, Luis Suárez bồn chồn và bất lực, cuối cùng không cầm được nước mắt khi đội nhà Uruguay bị loại ngay vòng bảng. Đồng đội của anh, Edinson Cavani, nổi giận và đấm màn hình VAR.
Ở bên phía đội tuyển Bỉ, Romelu Lukaku cũng trút cơn tức giận bằng cách đấm vỡ kính khu kỹ thuật sau khi không thể đi tiếp vào vòng trong.
Tất nhiên, vẫn có những tên tuổi được mong chờ vẫn ở lại với cuộc chơi, ít nhất là đến thời điểm hiện tại: Lionel Messi, Luka Modric. Một trong số những cái tên kể trên nhiều khả năng chạm được vào giấc mơ bấy lâu nay khao khát: chiếc cúp vàng World Cup.
Trung tâm của làng bóng đá
Trong hơn 2 thập kỷ, hai siêu sao Messi và Ronaldo là nhân vật trung tâm của làng bóng đá, từ trên khía cạnh sân cỏ lẫn ngoài đời tư. Truyền thông, khán giả để ý đến mọi câu chuyện về họ. Và giải đấu lần này cũng không phải ngoại lệ.
Xét cho cùng, đây dễ là cơ hội cuối cho họ mang về được “mảnh ghép còn thiếu” trong bộ sưu tập thành tích, danh hiệu, củng cố chắc chắn vào danh xưng “huyền thoại bóng đá”.
Messi và Ronaldo còn được ví như những mũi nhọn, người thắp đuốc cho một thế hệ cầu thủ đã thống trị bóng đá trong hơn một thập kỷ, tụ họp những ngôi sao tài năng nhất. Tài năng của họ vẫn bị đem ra so sánh, song độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng không thể bàn cãi.
Nhờ sự chuyên nghiệp hóa nhanh chóng của bóng đá, cùng những bước nhảy vọt về khoa học thể thao, tập luyện và dinh dưỡng trong hai thập kỷ qua, nhiều cầu thủ đã có thể tồn tại ở đỉnh cao của trò chơi lâu hơn nhiều so với những gì mà những người tiền nhiệm có thể tưởng tượng.
Trừ ngôi sao bóng đá Pele, rất ít cầu thủ trước đó duy trì phong độ đỉnh cao xuyên suốt một thập kỷ.
Zinedine Zidane có 8 năm tiếp tục chơi bóng sau khi đạt cúp vàng World Cup 1998 đến khi giải nghệ vào năm 2006. Diego Maradona là cầu thủ xuất sắc thế giới vào năm 1984, nhưng do đời sống nhiều bê bối, đã bị giải phóng hợp đồng với Napoli vào năm 1991 ở tuổi 31.
Ngôi sao đại chúng
Tất nhiên, tuổi tác chỉ có thể giải thích phần nào cho sự nổi tiếng của nhóm các cầu thủ hiện tại, nhưng không phải là một lời lý giải hoàn chỉnh.
Đây là thế hệ cầu thủ đầu tiên dành toàn bộ sự nghiệp của họ ở thời kỳ vàng son của bóng đá, thời kỳ được thúc đẩy bởi sự nổi tiếng của các giải đấu Premier League và Champions League, bởi nhu cầu bản quyền truyền hình ngày càng tăng, bởi sự khao khát được chơi bóng ở những môi trường cạnh tranh nhất.
Từ một môn thể thao phổ biến, nhà sử học David Goldblatt gọi bóng đá là “hiện tượng văn hóa lớn nhất mà thế giới từng biết”.
Các CLB trở thành “miếng bánh béo bở” cho các tỷ phú, gia đình hoàng gia làm chủ. Vượt ra ngoài phạm vi thể thao, Messi hay Ronaldo trở thành một thương hiệu, quen mặt và phổ biến đến mức người không theo dõi môn thể thao này cũng biết tên, nhớ mặt.
Trên mạng xã hội, lượng theo dõi Ronaldo vượt trội hơn hẳn nhiều ngôi sao giải trí khác – gấp đôi số follower của Justin Bieber, gần gấp ba con số của Rihanna. Lượng theo dõi của Lionel Messi bằng cả Katy Perry và Kourtney Kardashian cộng lại.
Theo New York Times, thế hệ của Ronaldo, Messi hay Modric đã tỏa sáng quá rực rỡ, làm lu mờ những gì xuất hiện về sau. Chỉ đến khi họ qua thời kỳ đỉnh cao, các cầu thủ đàn em mới có thêm cơ hội được công chúng biết tới, chú ý nhiều hơn.
World Cup lần này, giống như những giải đấu trước, đóng vai trò “bà đỡ” cho những gương mặt tỏa sáng trong tương lai: Jude Bellingham của Anh, Gavi và Pedri của Tây Ban Nha và Enzo Fernández của Argentina. Họ sử dụng giải đấu này làm bàn đạp để củng cố vị trí, tên tuổi.
Tuy nhiên, độ tuổi của họ là điều đáng chú ý: tất cả đều từ 23 tuổi trở xuống. Trên thực tế, không có nhóm những người thừa kế sẵn sàng cho Messi, Ronaldo, Lewandowski, sẵn sàng chiếm lấy hào quang ngay khi đàn anh giải nghệ, chỉ có vài cái tên đáng kể như Neymar, Harry Kane, Mohamed Salah.
World Cup lần này ở Qatar được nhận định là đóng vai trò như sân khấu tạm biệt cho thế hệ tên tuổi nổi tiếng nhất của làng bóng đá. Vào kỳ World Cup 2026, người hâm mộ khó trông đợi họ sẽ lại thấy Ronaldo, Messi hay Modric lăn xả trên sân bóng.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là thời gian của họ đã hết. Giải Premier League sẽ bắt đầu trở lại vào ngày 26/12, 8 ngày sau trận chung kết World Cup và phần còn lại của các giải đấu quốc nội ở châu Âu cũng sớm trở lại. Đến tháng 2, Champions League cũng trở lại. Vẫn còn đó những chiếc cúp, danh hiệu và vinh quang chiến thắng cho các ngôi sao của làng túc cầu gặt hái thêm.
Theo Hiền Thy (zing) – Ảnh: T.H