Johnson & Johnson đã đề xuất khoản dàn xếp trị giá 8,9 tỷ USD để giải quyết hàng chục nghìn vụ kiện cáo buộc bột talc trong phấn rôm trẻ em gây ung thư buồng trứng.
Hàng chục nghìn nạn nhân tố cáo phấn rôm của Johnson & Johnson gây ung thư. Ảnh: Darrellcastle.
Thỏa thuận được đề xuất sau cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ giữa những người tố cáo và Johnson & Johnson. Nếu thỏa thuận đền tiền được thông qua, nó sẽ trở thành vụ giải quyết trách nhiệm sản phẩm lớn nhất trong lịch sử phá sản tại Mỹ, các luật sư tham gia vụ kiện thông tin.
Trước đó, từ tháng 1, phiên tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ nỗ lực của Johnson & Johnson khi cố thực hiện kế hoạch phá sản được gọi là “phá sản hai bước ở Texas” để xử lý các cáo buộc liên quan bột talc trong phấn rôm. Theo kế hoạch này, Johnson & Johnson tạo ra quỹ trị giá 2 tỷ USD để bồi thường cho các nạn nhân.
Công ty cho biết LTL, đơn vị do Johnson & Johnson thành lập để xử lý các khiếu nại về bột talc, một lần nữa sẽ nộp đơn xin phá sản để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết khiếu nại, theo Financial Times.
Johnson & Johnson vẫn giữ nguyên quan điểm là họ tin rằng những cáo buộc là suy đoán và thiếu giá trị khoa học. Công ty sắp xếp đền bù cho những người tố cáo không phải đang thừa nhận hành vi sai trái. Công ty chỉ muốn dàn xếp thỏa thuận để tránh gây ra tổn hại kinh tế vì các vụ kiện dân sự thường kéo dài nhiều thập kỷ.
“Việc giải quyết vấn đề thông qua kế hoạch tái tổ chức được đề xuất vừa công bằng vừa hiệu quả hơn, cho phép người khiếu nại được bồi thường kịp thời và cho phép công ty tiếp tục tập trung vào các cam kết nhằm tác động sâu rộng và tích cực đến sức khỏe nhân loại”, ông Erik Haas, người phụ trách tranh tụng của Johnson & Johnson, cho biết trong một tuyên bố.
Kế hoạch đền bù 8,9 tỷ USD của Johnson & Johnson có thể sẽ tạo ra mâu thuẫn và những ranh giới giữa những người đệ đơn kiện.
Sau khi công ty bày tỏ đền bù một khoản tiền lớn, khoảng 10 công ty luật đại diện cho 70.000 nguyên đơn cho biết họ ủng hộ dự thảo thỏa thuận và tin rằng dự thảo sẽ đủ để được chấp thuận tại tòa án phá sản.
Luật sư Alicia O’Neill của công ty luật Watts Guerra, một trong những công ty đại diện cho các nạn nhân, cho biết thỏa thuận này là minh chứng cho việc hàng chục nghìn phụ nữ đã chiến đấu với bệnh ung thư và hệ thống tư pháp để đòi được công lý.
“Những phụ nữ mạnh mẽ đã đảm bảo rằng sẽ không phụ nữ nào khác phải đối mặt với mối nguy hiểm vô cớ này. Họ xứng đáng được bồi thường và kết thúc mọi chuyện tại đây”, luật sư Alicia O’Neill nói với Financial Times.
Trong khi nhiều luật sư ủng hộ dự thảo đền bù, giáo sư luật Carl Tobias của Đại học Richmond (Mỹ) lại cho rằng việc Johnson & Johnson cố giải quyết các vụ kiện thông qua dàn xếp có vẻ rủi ro do trước đó tòa phúc thẩm từng bác bỏ quyết định phá sản của công ty.
Tương tự, luật sư Jon Ruckdeschel cũng bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược nộp đơn xin phá sản của công ty. Ông Ruckdeschel cũng đại diện cho các nạn nhân trong vụ kiện bột talc gây ung thư, nhưng ông chưa chấp nhận lời đề nghị mới nhất từ Johnson & Johnson.
“Cả Johnson & Johnson và công ty con của họ đều không gặp khó khăn về tài chính. Tôi tin rằng các tòa án sẽ nhanh chóng và kiên quyết bác bỏ hành vi thao túng thiếu thiện chí này”, luật sư Ruckdeschel nhấn mạnh.
Theo Thái An (zing) – Ảnh: T.H