Theo quy định, căn cước công dân cần phải đổi ở 3 mốc thời gian sau đây.
Thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) không giống với chứng minh thư nhân dân (CMTND). Trước đây, CMTND có thời hạn sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp, cấp đổi, cấp lại. Trong khi đó, hiện nay CCCD có thời hạn sử dụng theo độ tuổi.
Khoản 1 Điều 21 Luật CCCD năm 2014 quy định thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Việc quy định 3 độ tuổi phải đổi thẻ CCCD như trên là bởi khi đến các độ tuổi này, do nhiều yếu tố tác động, con người có thể có những thay đổi về đặc điểm nhận dạng cần được ghi nhận và bổ sung để thẻ CCCD đảm bảo chính xác.
Do đó, người dân cần phải chú ý về thời hạn sử dụng căn cước công của mình để tránh gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch trong cuộc sống hàng ngày.
Số thẻ căn cước công dân có 12 số và chính là mã số định danh cá nhân của mỗi người. Mã số này sẽ gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi và không có sự thay đổi hay trùng lặp với bất cứ người nào khác.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã đi vào hoạt động và theo Điều 26 Luật Căn cước công dân, công dân không nhất thiết phải về nơi thường trú để làm CCCD mà có thể làm thẻ ở một trong những cơ quan sau:
– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;
– Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.