Trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc xin Covid-19, cha mẹ cần phải chú ý theo dõi sức khỏe của con.
Chia sẻ trên Thanh niên, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, không nên vận động mạnh, thực hiện các hoạt động gắng sức hoặc chơi thể dục thể thao.
Theo bác sĩ giải thích, sau khi tiêm, trẻ sẽ bị đau cơ. Các hoạt động vận động mạnh sẽ khiến trẻ bị căng cơ. Ngoài ra, một số trẻ có thể gặp hội chứng viêm tại vùng tiêm. Khi đó, vận động nhiều sẽ làm tăng chuyển hóa và phản ứng viêm tại chỗ.
Bác sĩ Luân cho biết thêm tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi gặp phản ứng phụ là khá thấp. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần phải theo dõi sát trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm để kịp thời phát hiện bất thường.
Chia sẻ trên VnExpress, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Nên hoãn các bài tập thể lực như chạy, đá cầu… do các bài tập này ảnh hưởng tới cơ thể trẻ, có thể tạo ra phản ứng như khó thở, nhịp tim nhanh, khó phân biệt, dễ nhầm lẫn với phản ứng và tai biến sau tiêm chủng”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Ngãi cũng cho biết thêm có 4 mốc thời gian quan trọng để theo dõi trẻ sau tiêm chủng là 30 phút, 24 giờ, 3 ngày và 28 ngày. Việc theo dõi này nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi tiêm vắc xin.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khuyến cáo phụ huynh cần chủ động theo dõi sức khỏe của con vì trẻ có thể bỏ qua, không kể lại cho người lớn về những triệu chứng bất thường. Trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, cha mẹ cần theo dõi con 24/24 để phát hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao, phát ban, khó thở, tím tái, mệt mỏi, li bì…
PGS Hồng cho biết, thông thường các phản ứng xảy ra khoảng 4-8 tiếng sau khi tiêm vắc xin. Các phản ứng này có xu hướng giảm dần sau những ngày đầu. Nếu thấy trẻ có phản ứng bất thường khác nằm ngoài khuyến cáo, cha mẹ cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế.