Có những thực phẩm tưởng chừng như rất lành mạnh nhưng với trẻ nhỏ chúng lại không hề có lợi cho sức khỏe. Vì vậy cha mẹ nên cho trẻ ăn ít.
Một số loài cá biển
Tuy cá là nguồn thực phẩm mang đến nhiều dinh dưỡng nhưng hầu hết các loại cá biển đều chứa một lượng nhỏ thủy ngân. Nếu trẻ ăn nhiều, thủy ngân sẽ tích tụ trong cơ thể và có thể gây hại cho não cũng như hệ thần kinh.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo rằng trẻ em nên tránh ăn các loại cá chứa nhiều thủy ngân, bao gồm cá thu vua, cá kiếm, cá ngừ mắt to, cá tuyết, cá mập và cá đỏ New Zealand. Để giảm lượng thủy ngân, các loại cá trên nên ăn ít hoặc không.
Bột protein
Có nhiều cha mẹ cho rằng bột protein giúp trẻ cao lớn và thông minh hơn. Tuy nhiên, trẻ có thể nhận đủ protein mỗi ngày theo nhu cầu khuyến nghị nếu chúng ăn hai phần sữa như sữa, sữa chua, pho mát và một hoặc hai phần protein nạc như thịt bò nạc, thịt lợn, thịt gia cầm, cá.
Nếu trẻ nạp thêm bột protein có thể gây dư thừa calo, cơ thể tích trữ dưới dạng chất béo và gây tăng cân. Bên cạnh đó, lượng protein cao có thể gây sỏi thận, khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất thải ra ngoài, theo thời gian sẽ làm hao mòn thận.
Trừ khi trẻ đang trong giai đoạn vận động nhiều hoặc khi bị áp lực học tập lớn, hoặc không thể nạp đủ protein từ khẩu phần ăn cha mẹ mới cần bổ sung cho trẻ bột protein. Bình thường, cha mẹ nên giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống tốt, hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ.
Các loại hạt thô
Ở trẻ nhỏ khả năng tiêu hóa và hấp thụ còn tương đối yếu. Nếu trẻ ăn quá nhiều ngũ cốc nguyên hạt có thể gây khó tiêu. Thêm nữa, các loại ngũ cốc thô cũng ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ các khoáng chất như canxi, sắt, kẽm và làm ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi thì không nên ăn quá 2 lần/tuần và mỗi lần không quá 25g. Khi cho trẻ ăn ngũ cốc, cha mẹ nên kết hợp các loại ngũ cốc thô và mịn hoặc nấu nhuyễn. Chẳng hạn như cháo gạo trộn với hạt kê hoặc cháo gạo với bột ngô.
Sô cô la
Sô cô la có chứa nhiều protein, canxi, magie, vitamin B2, đồng, sắt, kẽm. Ngoài ra, sô cô la còn chứa chất flavonoid có tác dụng chống oxy hóa nhất định. Đây được xem như món ăn nhẹ điển hình.
Thế nhưng hàm lượng caffeine trong sô cô la đen cũng tương đối cao, không phù hợp với trẻ nhỏ. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo rằng trẻ em dưới 12 tuổi không nên tiêu thụ thực phẩm có chứa caffeine. Vì vậy, sô cô la đen không được khuyến khích cho trẻ em.
Ngoài ra, sô cô la có hàm lượng calo và chất béo bão hòa cao. Một số loại sô cô la còn có hàm lượng đường cao nên chúng cũng không được khuyến khích cho trẻ ăn nhiều. Nếu như trẻ muốn ăn, cha mẹ nên tìm hiểu bảng thành phần, chọn loại sô cô la ít đường, ít chất báo và kiểm soát lượng nạp vào cơ thể.