Nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường này, diễn ra trong thời gian dài, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để đề phòng bệnh tiểu đường.

Thường xuyên cảm thấy đối

Nếu bạn đã tiêu thụ một lượng thức ăn tương đối lớn trong bữa chính nhưng sau đó vẫn có cảm giác đói thì đó có thể là biểu hiện của việc đường huyết đang tăng cao. Lúc này, chức năng trao đổi chất trong cơ thể bị rối loạn, thức ăn đi vào cơ thể nhưng không được hấp thụ và gây ra tình trạng đói dù trước đó đã ăn no.

Luôn khát nước

Cơ thể sẽ cố gắng điều tiết để cân bằng đường huyết bằng cách đào thải lượng đường dư thừa trong máu qua nước tiểu. Khi đó, thận sẽ phải tăng cường hoạt động để đưa lượng đường dư thửa ra ngoài. Lúc này, chất lỏng từ các mô cơ cũng bị rút ra để đưa đường ra ngoài. Mất nhiều chất lỏng sẽ khiến người bệnh cảm thấy khát và muốn uống nhiều nước hơn. Nếu uống nước liên tục mà vẫn cảm thấy khát thì đó là dấu hiệu cho thấy đường huyết đang tăng cao.

dau-hieu-duong-huyet-tang-01

Đi tiểu nhiều

Đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm cũng là một dấu hiệu cho thấy đường huyết cao. Đây là kết quả của việc cơ thể điều tiết, tăng đào thải đường ra ngoài.

Mệt mỏi

dau-hieu-duong-huyet-tang-02

Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ dù đã ngủ đủ giấc thì hãy cẩn trọng. Đó có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo lượng đường trong máu đang tăng cao. Khi đường huyết tăng nhưng ít được đưa vào bên trong tế bào để tạo năng lượng, cơ thể sẽ luôn chậm chạp và mệt mỏi.

Ngoài ra, việc thường xuyên phải thức giấc vào ban đêm để đi vệ sinh cũng làm giấc ngủ bị ảnh hưởng, khiến cơ thể mệt mỏi.

Giảm cân đột ngột

Giảm cân đột ngột là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh. Đường huyết luôn ở mức báo động nghĩa là cơ thể chuyển hóa bất thường, không thể sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng. Khi đó, cơ thể phải dùng những nguồn tích trữ có sẵn để tạo năng lượng cho các hoạt động sống. Điều này sẽ khiến bạn bị giảm cân mà không rõ nguyên nhân.

Khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, diễn ra trong thời gian dài thì bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra sớm. Trong trường hợp chỉ số đường huyết tăng nhưng chưa đến giai đoạn tiểu đường thì bạn cần điều chỉnh lối sống, ăn uống theo chế độ tư vấn của bác sĩ để ổn định đường huyết.

Khi mắc tiểu đường, bạn có thể phải sử dụng thuốc điều trị hàng ngày và đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.