Vấn đề không phải là bạn tiết kiệm bao nhiêu tiền một tháng mà là cách bạn tiết kiệm như thế, có duy trì được lâu dài không. Những mẹo nhỏ này sẽ giúp ích nhiều cho bạn.

Cố định khoản chi hàng tuần

Việc cố định khoản chi mỗi tuần giúp bạn định lượng được khoản chi tối đa cho phép. Bên cạnh đó, bạn cũng dễ dàng cân đối lại các khoản thu chi giữa các tuần trong 1 tháng. Nhờ vậy sẽ không lo bị thâm hụt hoặc chi tiêu quá đà.

Hãy lên danh sách các khoản cần chi trong 1 tuần và nhẩm tính xem mình cần chi bao nhiêu cho các khoản này. Thời gian đầu có thể khó khăn nhưng dần dần bạn sẽ thấy nhẹ nhàng và tiết kiệm được một khoản kha khá.

Quy luật 7 ngày trước khi quyết định mua sắm

Khi bạn muốn mua món đồ nào đó, hãy đợi 7 ngày sau nếu bạn vẫn không thay đổi quyết định thì hãy mua.

Có nhiều người mua sắm theo cảm tính, mua về rồi không dùng nên rất lãng phí. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ trước khi định mua bất cứ thứ gì.

Quy luật 10s trước khi thanh toán

Trước khi thanh toán, hãy dành 10 giây tự hỏi tại sao bạn mua nó và bạn có thực sự cần nó hay không. Nếu không có lý do gì để mua thì hãy bỏ chúng lại.

Vì không có kế hoạch cụ thể nên đôi khi chúng ta mua một món hàng chỉ vì nhìn chúng đẹp mắt. Cách này sẽ giúp bạn siêu tiết kiệm tiền và kìm chế tâm lý mua sắm vô tội vạ của mình.

Dùng tiền lẻ nuôi lợn mỗi tối

Một đồng tiền lẻ có giá trị thấp nhưng nhiều đồng tiền lẻ thì giá trị lại lớn hơn nhiều. Vì vậy bạn đừng coi thường những đồng tiền này.

Mỗi tối bạn hãy gom chúng lại, rồi bỏ chúng vào trong một con lợn. Sau một thời gian bạn sẽ phải ngạc nhiên vì số tiền mình tiết kiệm được.

Ăn ở nhà thay vì ăn quán

Ăn quán bao giờ cũng tốn kém hơn ăn ở nhà. Để tiết kiệm bạn hãy ăn ở nhà nhiều hơn. Nếu muốn tụ tập bạn bè, bạn cũng có thể rủ về nhà cùng nhau nấu nướng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng như hiện nay thì việc ăn uống ở nhà cũng hợp lý hơn nhiều so với ăn quán.

Thanh lý đồ cũ thay vì vứt bỏ

Cũ người mới ta, câu nói này hẳn nhiều người đã biết. Trong tủ đồ của bạn hẳn có những món mua về nhưng không dùng đến hoặc mới dùng 1-2 lần và nhìn vẫn còn như mới.

Thay vì vứt bỏ chúng, bạn có thể bán thanh lý. Nhờ đó bạn sẽ thu lại được khoản tiền nho nhỏ. Và nhớ lần tới đừng vung tiền phí phạm bằng việc mua sắm quá đà nữa nhé.

Lên danh sách đồ cần mua trước khi mua sắm

Việc lên danh sách những món đồ cần thiết phải mua rồi bám sát vào đó để mua hàng sẽ giúp bạn không “vung tay quá trán”.

Ngoài danh sách đồ cần mua, hãy nhớ đừng mua thêm thứ gì khác.