Hiện nay, đa số bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng, muốn khỏi bệnh nhanh khiến nhiều người dùng thuốc không đúng cách.
Việc lạm dùng các loại thuốc truyền tai nhau chưa qua chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bác sĩ Nguyễn Tiến Hải, từng công tác tại khoa Tai – Mũi – Họng thuộc bệnh viện Tai mũi họng TW và 5 năm kinh nghiệm làm việc tại BV Vinmec đã chỉ ra những sai lầm của mọi người khi dùng thuốc và cảnh báo để các F0 tránh gặp phải tình trạng “tiền mất tật mang”.
Không có thuốc đặc trị tuyệt đối
Tâm lý muốn khỏi bệnh nhanh khiến nhiều F0 dễ dàng tin vào các loại thuốc đặc trị Covid-19. Từ đó, nhiều người tin rằng nếu uống các loại thuốc đặc trị này sẽ không cần phải lo lắng về các rủi ro và biến chứng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hải thì công dụng của những loại thuốc này đã bị thổi phồng. Hiện tại không có thuốc đặc trị tuyệt đối. Những loại thuốc kháng virus làm cho các bệnh nhân có nguy cơ cao, bệnh nhân bị nặng giảm tỷ lệ tử vong, có thể phục hồi tốt hơn. Theo các nghiên cứu từ Mỹ, các loại thuốc này có thể hỗ trợ giảm 30%. Như vậy nếu hiểu thuốc đặc trị có thể giải quyết 80% vấn đề thì có nghĩa là mọi người đang hiểu sai về thuốc điều trị Covid-19.
Ở cơ thể khỏe mạnh, không có yếu tố bệnh lý nền hay triệu chứng nặng thì việc dùng thuốc kháng virus không quá quan trọng.
Thuốc tăng sức đề kháng không thần thánh như lời đồn
Các loại thuốc tăng cường miễn dịch cũng được nhiều người truyền tai nhau sử dụng. Tuy nhiên loại thuốc này chưa có những kiểm chứng về công dụng rõ ràng. Hiệu quả sau khi sử dụng thuốc cũng không thể thấy được chỉ trong 1-2 ngày.
Theo bác sĩ Hải, miễn dịch của cơ thể cần có quá trình kích thích và tổng hợp các kháng thể để tạo ra hàng rào miễn dịch. Cơ thể cũng cần thời gian để tạo nên các cơ và tích lũy năng lượng.
Hiện tại, chế độ ăn của hầu hết chúng ta đã đáp ứng được các nhu cầu dinh dưỡng và cung cấp đủ các yếu tố miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Đối với những người khỏe mạnh, các dấu hiệu của bệnh có thể kéo dài 5-7 ngày. Đặc biệt, có những người chỉ xuất hiện triệu chứng mệt mỏi trong 1-2 ngày. Quy trình này diễn ra phổ biến cả ở trẻ nhỏ và người lớn.
Kháng sinh phải sử dụng đúng lúc
Bác sĩ Hải cho biết thông thường người ta không sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân Covid-19. Ở những người có triệu chứng nhẹ thì việc dùng kháng sinh không những không cần thiết mà còn khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Nếu F0 bị rối loạn đường tiêu hóa mà dùng thuốc kháng sinh có thể gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột. Dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều có nguy cơ hấp thu kém hơn, ăn kém hơn và tăng việc đào thải nước ra ngoài. Nó có thể khiến cơ thể mất nước và năng lượng. Nếu không bổ sung qua đường ăn uống đủ tốt, thì việc tăng đề kháng sẽ càng khó hơn.
Cơ thể của con người có một cơ chế đó là hấp thu những chất thực sự cần. Do đó, dù chúng ta có cố gắng bổ sung nhiều chất thì chưa chắc cơ thể đã hấp thu được và sẽ đào thải ra ngoài nếu bổ sung quá lượng cần thiết.
Vậy nguyên tắc điều trị kháng sinh ở cả trẻ em và người lớn nếu bị lạm dụng sẽ gây ra ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, làm loạn khuẩn đường ruột. Cộng thêm với việc bị virus tấn công, nó sẽ làm cho hệ miễn dịch của chúng ta bị suy yếu.
Bác sĩ Hải cho biết người bệnh chỉ dùng kháng sinh khi xuất hiện các dấu hiệu bội nhiễm. Để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm, việc cần thiết nhất mà các F0 cần nhớ đó là ăn nhiều hơn để bổ sung năng lượng cho cơ thể.