Muốn sử dụng điều hòa tiết kiệm điện, không nhất thiết bạn phải chọn mức 26 độ C. Hãy tham khảo cách dưới đây.
Nhiều người cho rằng bật điều hòa ở mức 26 độ C vừa giúp mang lại cảm giác, vừa tiết kiệm điện. Điều này không hoàn toàn đúng.
Các chuyên gia cho rằng, chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời tốt nhất là nên ở mức 5 độ C. Đây là mức nhiệt giúp con người thấy thoải mái, tiết kiệm điện, ngăn ngừa tình trạng sốc nhiệt do chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài phòng.
Vì vậy, việc đặt mốc điều hòa 26 độ là không hoàn toàn đúng. Cách đúng nhất là điều chỉnh nhiệt độ điều hòa theo nhiệt độ ngoài trời, có thể chia ra ngày và đêm.
Nói chung, ban ngày bạn có thể bật điều hòa ở mức 26 độ để cảm thấy mát mẻ, thoải mái. Trong khi đó, vào ban đêm, bạn nên để nhiệt độ điều hòa cao hơn một chút vì nhiệt độ môi trường lúc này đã hạ xuống.
Ngoài ra, trước khi đi ngủ, thân nhiệt của con người vẫn còn tương đối cao. Lúc này, để điều hòa ở mức 26 độ là dễ chịu. Tuy nhiên, đến khoảng 3 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời giảm xuống rất nhiều, cơ thể bước vào giai đoạn ngủ sâu, nếu vẫn để mức nhiệt 26 độ C, bạn có thể cảm thấy lạnh. Nếu không đắp chăn, bạn rất dễ bị cảm lạnh. Lúc này, mức nhiệt phù hợp và giúp tiết kiệm điện là khoảng 28 độ C.
Bạn có thể sử dụng chức năng hẹn giờ hoặc chế độ nghỉ hay chế độ ban đêm để điều chỉnh sự thay đổi nhiệt độ và tắt bật điều hòa theo ý muốn vào ban đêm.
Một số điểm cần tránh khi sử dụng điều hòa
Sử dụng điều hòa cả ngày
Vào những ngày oi bức, nhiều gia đình sử dụng điều hòa cả ngày để tránh nóng. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn điện mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vào những thời điểm nhiệt độ giảm xuống (như buổi chiều tối hoặc sáng sớm), bạn nên tắt điều hòa và mở cửa để không khí trong phòng lưu thông, giúp tiết kiệm điện.
Để nhiệt độ điều hòa quá thấp
Nhiệt độ điều hòa càng thấp, lượng điện năng tiêu thụ càng cao. Ngoài ra, nhiệt độ trong phòng quá thấp sẽ khiến bạn dễ cảm lạnh, sốc nhiệt. Điều này đặc biệt không tốt với những người có sức đề kháng yếu, người già và trẻ nhỏ. Như đã nói ở trên, bạn nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời khoảng 5 độ.
Bạn cũng nên tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Không nên ngồi trong phòng điều hòa ngay khi đi từ ngoài nắng về hoặc sau khi vận động mạnh. Trước khi vào phòng điều hòa, bạn nên ngồi nghỉ và lau khô mồ hôi.
Không sử dụng quạt trần
Nhiều người cho rằng vừa sử dụng quạt vừa dùng điều hòa sẽ gây tốn điện. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Khi mới bật điều hòa, bạn nên sử dụng thêm quạt để không khí lạnh lan tỏa trong phòng nhanh hơn. Điều này sẽ giúp giảm lượng tiêu hao điện năng của điều hòa vừa giúp bảo vệ máy. Sau khi cảm thấy phòng đủ mát, bạn có thể tắt quạt.
Đóng kín cửa cả ngày
Bạn không nên đóng kín cửa cả ngày như vậy không khí sẽ trở nên bí bách, ô nhiễm hơn. Việc đóng cửa sẽ khiến bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trong phòng không thể thoát ra ngoài. Vì vậy, khi không dùng điều hòa, bạn nên mở cửa và bật quạt để không khí lưu thông.