Mặc dù chỉ là nông dân nhưng bà mẹ này vẫn có phương pháp giáo dục khoa học giúp con có thành tích cao trong học tập.
Theo chia sẻ của người mẹ, gia đình có 3 người con 2 gái 1 trai. Người con gái lớn đỗ vào Đại học 211 – một trong những trường trọng điểm, có thể mạnh cũng như thành tích đào tạo vô cùng xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau.
Cô con gái thứ 2 và cậu con trai út đều đỗ vào trường Đại học Thanh Hoa – ngôi trường được xem là “điểm đến mơ ước của học sinh Trung Quốc và sinh viên quốc tế”. Ngôi trường này đứng đầu về đào tạo khối ngành Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Kỹ thuật.
Khi được hỏi về bí quyết nuôi dạy các con đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, đạt thành tích cao, người mẹ nông dân chỉ mỉm cười lặng lẽ. Cô khiêm tốn chia sẻ bản thân không có phương pháp gì cao siêu, chỉ áp dụng duy nhất 2 điều trong quá trình nuôi dạy các con.
Luôn đối xử công bằng, không phân biệt nam nữ
Người mẹ cho biết cô luôn đối xử công bằng với các con. Con trai, con gái đều nhận được sự yêu thương và quan tâm như nhau, không có chuyện “trọng nam khinh nữ”. Cô cho biết, con trai hay con gái thì cũng cần được học tập, lao động, giải trí đúng độ tuổi.
Cô cũng không bao giờ đặt các con lên bàn cân để phán xét xem đứa trẻ nào hơn đứa trẻ nào, kém nhau ở điểm gì. Hay đặt ra những áp lực cho con: “Con trai phải thế này…”, con gái phải thế kia…”. Cứ thử đặt mình vào vị trí của con sẽ rõ bản thân ghét sự so sánh đến thế nào thì các bậc cha mẹ sẽ hiểu cảm giác của con.
Việc bị đối xử không công bằng sẽ khiến trẻ tự ti về bản thân, trẻ có xu hướng ganh ghét, đố kỵ với chính anh chị em ruột của mình. Điều này khiến hòa khí gia đình bị ảnh hưởng.
Ngược lại khi các con chung sống hòa thuận, yêu thương nhau thì đây sẽ là tiền đề tốt trong quá trình phát triển, chúng sẽ hỗ trợ nhau trong học tập và thúc đẩy nhau cùng tiến bước.
Dạy con về lòng trung thực
Người mẹ này chia sẻ bí quyết thứ hai là dạy các con luôn phải trung thực trong mọi hoàn cảnh. Trẻ nhỏ đôi khi nói dối vì không muốn chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Chẳng hạn nếu bị điểm kém trẻ có xu hướng né tránh hoặc nói dối một số điểm cao hơn.
Để dạy 3 con về tính trung thực, người mẹ hiểu phương pháp tốt nhất là trở thành tấm gương sáng. Trong mọi chuyện, cô không nói dối con, không giấu giếm con. Đôi khi hành động của cha mẹ ảnh hưởng nhiều hơn là lời nói. Nếu chỉ giảng dạy mà không làm gương sẽ khiến những đứa trẻ chưa “tâm phục nể phục”.
Tuy nhiên, dạy trẻ trung thực không chỉ riêng với mẹ hay trong gia đình, mà với cả những người xung quanh mỗi khi trẻ thấy người đó mắc lỗi. Chẳng hạn như khi nhìn thấy bạn gian lận trong thi cử, trẻ cần khuyên bạn dừng lại. Trong trường hợp bạn vẫn tiếp tục thực hiện hành vi xấu, hãy dạy con cần thông báo đến giáo viên.
Không làm ngơ trước hành động dối trá của người khác quả thực là điều cực kỳ khó, ngay cả với người lớn chứ chưa nói đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không chỉ bảo đúng đắn, củng cố cho con niềm tin về tính trung thực, trẻ sẽ có nguy cơ bao che hay nguy hiểm hơn là trở thành “đồng minh” thực hiện cùng.
Ngoài ra, người mẹ này cũng thường nói với các con về sự không hoàn hảo của mỗi người. Ai cũng có những lúc sai lầm nhưng quan trọng nhất chính là biết sửa sai. Nếu chẳng may phát hiện con nói dối, hãy đề nghị con suy nghĩ lại về mọi thứ. Sau đó, cha mẹ và con cái hãy ngồi xuống nói chuyện lại với nhau về vấn đề này.