Khi Omicron xuất hiện, rất nhiều nhà khoa học đã cho rằng, đây thực chất là 1 tín hiệu đáng mừng, bởi có thể thay thế chủng Delta và kết thúc đại dịch.
Ngày 10/3, trong buổi họp Ban Chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết tính đến ngày 9/3, Hà Nội đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, với tỷ lệ 85% (93/109 mẫu) mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính được giải trình tự gen ngẫu nhiên từ ngày 4/12/2021 đến 1/3/2022. Trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 – “Omicron tàng hình”, với 86/93 mẫu (xấp xỉ 80% tổng số mẫu bệnh phẩm).
Tương tự, vào ngày 9/3, TP HCM họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế. Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng cho biết tại TP HCM, theo kết quả tổng hợp sàng lọc nhanh (trong số ca bệnh phát hiện từ ngày 10 đến 27/2/2022) có 103/109 ca nhiễm được lấy mẫu ngẫu nhiên nhiễm biến thể Omicron. Trong đó, qua giải trình tự gene 67 ca thì có 43 ca nhiễm biến thể BA.2, chiếm hơn 64%.
Trước việc Omicron đang là chủng virus COVID-19 lưu hành hiện nay, nhiều người thắc mắc biến thể Delta sẽ phát triển như thế nào hay sẽ biến mất. Theo các chuyên gia y tế, bước đầu đã có những bằng chứng cho thấy Omicron là chủng lưu hành chính tại Hà Nội ở thời điểm này. Trong thời gian tiếp theo, cơ quan chức năng dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng do khả năng lây nhiễm cao của biến thể này.
Vậy chủng Delta có thể bị Omicron thế chỗ hay không?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP HCM, cho rằng virus SARS-CoV-2 qua một thời gian lây lan sang người sẽ liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron…
Sau biến thể Delta, nhiều người đã được nghe tên 2-3 biến thể như Lambda, Mu, Delta Plus. Tuy nhiên, 3 biến thể này ít gây sự chú ý vì sự lây lan không bằng Delta. Sau này, biến thể Omicron được nhắc đến nhiều hơn bởi so với Delta, tốc độ lây lan của nó nhanh hơn rất nhiều.
Mặc dù Omicron khiến số ca mắc tăng cao nhưng lại số ca bệnh nặng, nhập viện, thở máy lại ít hơn so với những làn sóng dịch trước.
“Việc các biến thể có sự “cạnh tranh” lẫn nhau để tồn tại đã được ghi nhận trong lịch sử. Cùng một loại virus, xuất hiện cùng một nơi thì sẽ có sự cạnh tranh giữa các biến thể với nhau. Nguyên tắc của virus lây qua đường hô hấp này là nếu không lây thêm được cho người khác thì nó sẽ tự biến mất”, BS Khanh nói.
S Khanh cho biết biến thể Delta có thể lây nhanh cho 10 người trong khi biến chủng cũ chỉ lây cho 2 người. Nếu 2 người đó mà không lây được cho thêm ai thì chủng Delta đã chiếm được ưu thế. Khi 2 người này khỏi bệnh thì sẽ không còn nguồn lây, nguồn phát tán và lúc đó đương nhiên virus sẽ mất đi.
Tương tự, nếu F0 nhiễm Delta chưa kịp lây bệnh cho người khác trong khi Omicron lây lan rộng, dần dần, Omicron sẽ có thể chiếm ưu thế và Delta có thể sẽ biến mất.