Hiện nay, rất nhiều F0 truyền tai nhau kinh nghiệm xông người bằng nước lá để mau hết bệnh. Các chuyên gia nói gì về việc này?

Hiện nay, nhiều F0 điều trị tại nhà chia sẻ cho nhau kinh nghiệm xông hơi để giảm mệt mỏi, nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, chia sẻ trên VnExpress, BSCKII. Nguyễn Trung Sơn, Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân Covid-19 nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của y tế phường. Hàng ngày, F0 có thể xông phòng, rửa mũi, súc họng bằng nước lá. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, F0 không nên xông lá trực tiếp.

Đã có F0 gặp tai nạn vì xông hơi toàn thân tại nhà

Bé T.L.N.P. (14 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) mắc Covid-19 và được người nhà cho xông hơi bằng lá thuốc. Rất tiếc, trong quá trình xông, bé bị bỏng nặng tại vùng đầu, mặt, cổ. Nguyên nhân là do trong quá trình xông, bé lên cơn co giật và ngã úp mặt vào nồi nước xông đang sôi khoảng 1 phút rồi bất tỉnh.

Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để cấp cứu. Tại đây, P. phải thở máy, truyền dịch nuôi ăn, khống chế nhiễm trùng từ các vết bỏng bằng kháng sinh mạnh. Tương lai, ngoại hình và sinh hoạt của bé chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng từ các vết sẹo bỏng.

Chỉ xông phòng, xông mũi họng, không xông cả người

Theo Tuổi trẻ, kết quả từ những F0 có xông mũi họng bằng tinh dầu bạch đàn, chanh, sả tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 1 (TP.HCM) cho thấy có sự cải thiện rõ rệt về các triệu chứng hô hấp và cảm sau 3-4 ngày. Tuy nhiên, việc này không giúp giảm thời gian điều trị so với người không xông.

TS Trương Thị Ngọc Lan – phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, kiêm phó chủ tịch Hội Đông y TP.HCM cho biết việc xông hơi nóng vào mũi, họng là một giải pháp lý tưởng để vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong giai đoạn mới nhiễm. Khi virus khu trú tại mũi, miệng, họng, thậm chí ở phổi nhưng chưa nhiễm vào máu, nhiệt độ cao sẽ tấn công virus, ngăn chặn quá trình nhân đôi của chúng.

Vì vậy, hiện nay nhiều người chọn xông hơi để phòng ngừa, giảm triệu chứng khi trở thành F0.

f0-khong-nen-xong-hoi-01

Tuy nhiên, TS Lan cho biết thêm, việc xông hơi cần phải chú ý một số điểm để đạt được hiệu quả và tránh những hậu quả đáng tiếc.

Người dân chỉ nên xông phòng, xông mũi họng, tuyệt đối không xông toàn thân vì vào ngày thứ 3, các F0 thường có triệu chứng vã mồ hôi. Nếu xông toàn thân, cơ thể sẽ tiết ra nhiều mồ hôi hơn, dẫn tới mất nước, suy nhược.

Thời gian xông mũi chỉ nên là 10-20 phút và làm 2 lần/ngày. Nếu chọn tinh dầu thì mỗi lần xông nhỏ vài giọt vào nước nóng. Nếu dùng thảo dược tươi thì rửa sạch, thảo dược khô thì phải đảm bảo không bị nấm mốc. F0 không nên lạm dụng xông quá nhiều lần vì có thể làm cơ thể phản ứng (co thắt lại).

Không nên mua tinh dầu, thảo dược bán trên mạng khi chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng. Nếu dùng phải hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì càng gây bất lợi cho sức khỏe.

Hướng dẫn cách xông

BSCKII. Nguyễn Trung Sơn đưa ra 2 phương pháp xông để mọi người tham khảo. Lưu ý, hai cách này chỉ áp dụng để xông phòng, không dùng để xông người.

– Cách 1: Nguyên liệu gồm có hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió… mỗi loại 200g-400g. Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu. Lượng nguyên liệu tăng giảm tuỳ theo diện tích phòng lớn hay nhỏ. Cho các dược liệu đã chuẩn bị vào nồi và đổ ngập nước. Đậy nắp nồi và đun sôi lăn tăn. Khi nước sôi, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.

– Cách 2: Nguyên liệu gồm có tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế… Lưu ý, các loại tinh dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành. Tùy theo diện tích phòng (10-40m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (2-4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều. Cho hỗn hợp tinh dầu vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.

f0-khong-nen-xong-hoi-02

Cách xông mũi: Sử dụng lá có tinh dầu như lá lốt, lá trầu, lá trà, lá ngũ sắc, lá bạch đàn, tỏi, sả, bồ kết, gừng, lá bưởi… hoặc các loại tinh dầu như tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả… Dùng nồi nấu lá có tinh dầu hay bỏ các loại tinh dầu vào nước đã nấu sôi, trùm lên mặt xông, thời gian xông khoảng 15 – 20 phút. 

Lưu ý, không lạm dụng xông hơi, không xông trực tiếp vào người, đặc biệt là với trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay ngời bị dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nên cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người già yếu, mắc bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể cũng không nên tùy tiện xông hơi một mình mà cần có người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu thấy choáng váng, khó thở, tức ngực… cần ngưng xông ngay.