Hiện nay, số lượng F0 tự cách ly điều trị tại nhà là rất lớn. Ai cũng băn khoăn không biết uống thuốc gì, ăn uống thế nào cho nhanh khỏi bệnh, đồng thời không bị biến chứng nguy hiểm.

Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Trần Quốc Khánh, BV Việt Đức đã có những chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Theo bác sỹ Khánh, có 2 điều mà F0 tại nhà nên tránh không mắc sai lầm như sau

Thứ nhất, bác sĩ Khánh cho biết: ‘Rất nhiều trường hợp F0 điều trị tại nhà đã tự ý mua kháng sinh về uống mà không có hướng dẫn của bác sỹ. Điều này là vô nghĩa, trừ trường hợp người bệnh bị bội nhiễm’.

‘Kháng sinh có tác dụng diệt vi khuẩn, trong khi Covid-19 là virus nên không có tác dụng gì cả. Vì vậy nếu ai đang điều trị tại nhà mà sử dụng kháng sinh, thì hãy cắt kháng sinh đi vì vừa không có tác dụng diệt virus lại thêm mệt vào người’, bác sĩ Khánh cảnh báo’.

Thứ hai, cũng theo chuyên gia này, người mắc Covid-19 cũng không nên nghe theo những quảng cáo trên mạng mà tự mua thuốc kháng virus Favipiravir hoặc Molnupiravir. Vì hầu hết mọi người đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin, các loại thuốc lại có nhiều tác dụng phụ, và quan trọng hơn là cơ thể chúng ta sẽ tự chữa lành mà không cần đến thuốc.

Bs Khánh khuyên F0 khi điều trị tại nhà cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng (tập các bài thể dục hít đất, đạp xe tại chỗ… ), và tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.

Ngoài ra, người bệnh cần tăng cường dinh dưỡng; ăn đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… đồng thời cần thường xuyên bổ sung nước (không phải cứ khát mới uống).

Thay nước lọc bằng nước oresol, trẻ nhỏ còn bú sữa thì cho bú tăng cường nếu sốt/trớ. Trẻ lớn hơn thì nhắc uống nước sau 1 khung giờ nhất định.

F0 cũng cần tăng cường các món ăn nhẹ, dễ tiêu như cháo hành, súp, canh gà, với các loại rau thơm và gia vị có khả năng tăng cường sức đề kháng như gừng, tỏi, nghệ, tiêu, ớt đỏ…

2

Về các loại thuốc cần chủ động chuẩn bị tại nhà, theo bác sỹ Khánh bao gồm

Thuốc hạ sốt các loại (panadol sủi, efferalgan, đặt hậu môn…); oresol pha uống; thuốc chống ho; thuốc nhỏ mắt; thuốc long đờm; nước rửa mũi, xịt mũi; nước muối súc họng; multyvitamin; thảo dược trị cảm cúm theo đông y; thuốc điều trị bệnh nền (hạ áp, đái tháo đường, bình xịt hen…)’.

Cách sử dụng thuốc hạ sốt cho F0 như sau:

Đối với trẻ em, khi nhiệt độ > 38,5 độ C có thể uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều lượng 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại sau 4-6 giờ và ngày uống không quá 4 lần.

Đối với người lớn, khi nhiệt độ > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì có thể uống 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g/lần, có thể lặp lại sau 4-6 giờ và ngày uống không quá 4 viên.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần mà không thấy đỡ, F0 hãy thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được hướng dẫn và xử trí kịp thời. Ngoài ra, khi bị sốt, F0 nên uống nhiều nước, mặc áo quần mỏng và chườm mát trán, nách, bẹn (nơi da mỏng và nhiều mao mạch nông).

Về thiết bị y tế, nên chuẩn bị: Cặp nhiệt độ (2 cái); que test nhanh (20 que); máy đo Spo2; găng tay (1 hộp); khẩu trang; tấm kính chắn; cồn sát trùng, nước sát khuẩn tay và vật dụng khác; máy theo dõi bệnh nền (máy thử đái tháo đường, máy đo huyết áp..).

Người bệnh cũng không nên mua thuốc kháng virus và thuốc chống đông máu, vì những thuốc này sử dụng phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ, không thể tự điều trị ở nhà. Ngoài ra cũng không dùng thuốc xách tay, thuốc dân gian mà ‘tiền mất tật mang’ vì có thể nhiều tác dụng phụ.