Khi có con là F0, thường thì mẹ nào cũng cảm thấy lo lắng, sợ con trở nặng, nên có tâm lý cho con dùng thuốc “phòng bị”. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hệ quả xấu.

Dưới đây là 2 sai lầm mà các bậc cha mẹ rất dễ phạm phải khi chăm sóc con là F0.

Uống kháng sinh để nhanh hết ho: Quá sai lầm

Trẻ nhỏ mắc COVID-19 luôn là vấn đề được các phụ huynh đặc biệt quan tâm, đặc biệt là việc chăm sóc khi mắc bệnh. Dù ngành y tế đã có hướng dẫn về việc chăm sóc trẻ mắc COVID-19, như: Khi nào cần uống thuốc, khi nào cần đưa đi viện, chăm sóc dinh dưỡng ra sao… nhưng vì quá lo lắng, mong con sớm khỏi nhiều bố mẹ đã khiến con rơi vào tình trạng bệnh nặng hơn.

Chị Minh Vũ (ở Đống Đa, Hà Nội) có 2 con mắc COVID-19, cháu lớn 12 tuổi, cháu nhỏ 6 tuổi. Khi dương tính được 2 ngày, cả hai cháu đều ho, sốt, nhất là vào ban đêm. Thấy vậy, chị Vũ lo lắng nghĩ con bị viêm họng nên đã vội cho uống kháng sinh.

“Tôi rất cẩn thận, cho con uống đúng liều lượng/cân nặng nhưng tình trạng ho vẫn không đỡ, thậm chí 2 ngày sau các cháu còn chán ăn, người mệt lả đi, không thể ngồi học trực tuyến được. Khi tôi gọi điện hỏi, bác sĩ tư vấn online yêu cầu tôi dừng ngay việc cho uống kháng sinh và đưa con đến bệnh viện gần nhất để khám. May mắn, sau đó con tôi không bị sao, việc ho kéo dài chỉ là triệu chứng sau khi mắc COVID-19 chứ không phải do nhiễm vi khuẩn”, chị Vũ chia sẻ.

Thực tế, rất nhiều gia đình khi thấy con ho là nghĩ ngay đến tình trạng trẻ bị viêm họng, mà viêm nhiễm là phải uống kháng sinh để cho nhanh khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng điều này là không đúng.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Thành viên nhóm bác sĩ quân y tư vấn F0 tại nhà cho biết, kháng sinh nói riêng và các loại thuốc nói chung khi cho trẻ uống phải có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng.

Theo bác sĩ Hoàng, khi trẻ bị ho, cần phân biệt ho khan hay ho có đờm. Với trẻ mắc COVID-19 thì triệu chứng đa số là ho khan, do nhiễm virus, gây kích ứng đường hô hấp. Vì thế có thể dùng thuốc giảm, cắt cơn ho và tốt nhất nên dùng các loại bổ phế dạng siro hoặc viêm ngậm được bào chế từ thảo dược. Khi dùng cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.

“Nếu đau họng, viêm họng do virus thì không dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi người bệnh bị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amiđan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang…). COVID-19 là do virus gây ra, sử dụng kháng sinh không có tác dụng gì với các loại virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng. Tự ý sử dụng kháng sinh còn gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, nhất là tình trạng kháng kháng sinh”, bác sĩ Hoàng cảnh báo.

8

Cho con uống thật nhiều vitamin, thuốc bổ để nhanh khỏe

Ngoài cho uống kháng sinh, rất nhiều gia đình đã bỏ không ít tiền ra mua các loại vitamin, thuốc bổ cho con uống hàng ngày với mục đích tăng cường sức đề kháng, đánh bay COVID-19.

Trong quá trình tư vấn hỗ trợ điều trị F0 online, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh (Bệnh viện 108) gặp không ít những câu hỏi như: Có nên uống thật nhiều vitamin, thuốc bổ để trẻ nhanh khỏi bệnh hay không? Thậm chí, có những trường hợp bệnh nhân còn uống 2-3 loại vitamin C, kèm theo cả thuốc bổ. Đáng nói, rất nhiều người dùng theo đơn thuốc được chia sẻ trên mạng, hoặc kinh nghiệm của người đã khỏi COVID-19.

Theo bác sĩ Tuấn Anh, việc bổ sung vitamin và khoáng chất phải hết sức thận trọng, vì chúng cũng có nhiều tác dụng phụ giống như các thuốc chữa bệnh khác.

Ngoài ra, vitamin và các loại thuốc bổ khác không có tác dụng điều trị COVID-19. Vitamin chỉ có tác dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để tăng khả năng chống chọi (với người chưa mắc), với người đã mắc  sẽ tăng khả năng hồi phục sau khi khỏi bệnh. Nếu bổ sung không đúng cách, uống lấy được sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Bác sĩ Tuấn Anh lấy ví dụ, nếu bổ sung vitamin C quá liều, sẽ dẫn các triệu chứng kích ứng tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Nếu bổ sung liều cao kéo dài có thể dẫn tới những hậu quả khác như ứ sắt, sỏi thận…

Hay như việc bổ sung vitamin A không đúng cách có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh…

Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.Thừa Vitamin D có thể làm chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong.

Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo, khi trẻ mắc COVID-19 nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống chảy nước mũi và nghẹt mũi, nhiệt kế, máy đo SpO2. Tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, kháng virus… Kể cả việc bổ sung các loại vitamin, khoáng chất cũng cần phải có ý kiến của các bác sĩ.