“Trước cửa không trồng cây, sau nhà ít mở cửa sổ”. Câu nói này được ra đời như thế nào? Đối với cuộc sống hiện tại của chúng ta có giúp ích gì không? Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau phân tích ý nghĩa của câu nói này và vì sao người xưa truyền lại câu nói này cho hậu thế.
“Trước cửa không trồng cây, sau nhà ít mở cửa sổ”.
Trong thời xưa, việc xây nhà là một sự kiện vô cùng trọng đại. Bởi vậy nên việc lựa chọn địa điểm và xây dựng xung quanh ngôi nhà như thế nào đều được mọi người rất quan tâm.
Có một vài người vì muốn trang trí cho ngôi nhà đẹp một chút nên họ thích trồng hoa, cây cảnh xung quanh ngôi nhà. Lại có một số người thích trồng cây trước cửa nhà, vì dưới cây to thì sẽ có bóng mát. Trồng cây trước cửa nhà nên sẽ càng thuận tiện trong việc tận hưởng không khí mát lành hơn.
Vậy nhưng khi cây phát triển lớn lên, càng lớn lại càng rậm rạp, dần dần sẽ chắn hết ánh sáng chiếu vào nhà. Mùa hè thì tất nhiên là rất mát mẻ. Tuy nhiên vì bên trong ngôi nhà lâu ngày không có ánh nắng chiếu vào khiến cho nhiều đồ đạc bị nấm mốc, không thể dùng được nữa. Đây chẳng phải đã gây nên những tổn thất kinh tế cho gia đình hay sao?
Còn nữa, vì cây càng lớn càng xum xuê, rậm rạp nên chắc chắn sẽ chắn hết cả ngôi nhà ở phía sau khiến bà con hàng xóm sang chơi hay người thân họ hàng xa đến thăm khi nhìn thấy cây sẽ nghĩ rằng: “Chủ nhân cái nhà này trồng ngay một cái cây lớn trước cửa nhà, giấu chặt ngôi nhà của mình đi, chắc chắn là không muốn mình đến nhà chơi rồi”. Điều đó sẽ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Ngoài ra, người xưa đều rất chú trọng đến vận khí của con người. Nếu con người sống trong môi trường ẩm thấp quanh năm, nhất định tâm tính sẽ không được tốt, như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc. Tất nhiên đến cuối cùng thì sẽ quy vào vận khí và vận thế của con người mà thực ra thì đều là bởi vì cây to trước cửa nhà đã chắn hết đi ánh sáng.
Không được trồng cây trước cửa chính là có ý nghĩa như vậy. Người xưa cũng rất tinh tế trong việc lựa chọn câu chữ, nói là “trước cửa” chứ không phải “trước nhà”. Ý nói là không nên trồng cây ở giữa cửa nhà, còn hai bên nhà và trước, sau nhà thì vẫn có thể trồng được. Vậy còn “sau nhà ít mở cửa sổ” thì là vì sao?
Mở cửa phía sau nhà vừa có thể giúp không khí lưu thông, lại còn có thể nhìn thấy phong cảnh phía sau nhà. Vì sao lại nên “bớt mở”? Hóa ra thời xưa người ta thường xây nhà cạnh nhau nên sau nhà thường có người khác ở. Khi mở cửa sổ ra có thể thấy hàng xóm phía sau đang làm gì, như vậy sẽ xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Mặc dù hàng xóm sẽ không nói trước mặt nhưng cũng sẽ không dùng ánh mắt tốt đẹp để nhìn bạn.
Vì vậy vế “sau nhà ít mở cửa” ý nói là nếu không có việc gì thì tốt nhất là không mở cửa sổ ra, nhưng khi cần thiết thì vẫn có thể mở một chút để không khí lưu thông.
Vậy ngày nay câu nói “Trước cửa không trồng cây, sau nhà ít mở cửa sổ” còn có thể áp dụng hay không? Nó còn tùy thuộc vào loại nhà mà bạn ở? Nếu là nhà ở thương mại thì không cần quan tâm đến vấn đề trồng cây trước cửa. Và phía sau nhà có thể là có cửa sổ đấy nhưng không đối diện với hàng xóm nên vẫn có thể mở ra.
Đạo lý trong các câu nói của người xưa chung quy là làm thế nào để sống tốt hơn. Trong nhà cần phải có đủ ánh sáng thì mới khiến người ta cảm thấy dễ chịu. Và đôi khi mối quan hệ với những người hàng xóm lại bị ảnh hưởng bởi những điều nhỏ nhặt. Tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của người khác một cách thích hợp mới làm cuộc sống của nhau thú vị hơn.
Tất nhiên đây chỉ là kinh nghiệm của người xưa để cho chúng ta tham khảo mà thôi.
Nguyên tắc trồng cây trước và sau nhà
Xét về quan điểm hình thế, phần trước của ngôi nhà luôn cần sự quang đãng (minh đường – nơi sáng sủa rộng rãi), tránh các vật che chắn làm giảm tầm nhìn, ngăn cản sự lưu thông của sinh khí vào đại môn (cửa chính). Nếu có cây lá loà xoà trước nhà thì phong thuỷ xưa lập luận rằng như vậy tức là Mộc khắc Thổ. Nếu cây loại to sẽ có rễ lớn ăn vào làm hỏng nền nhà, đi lại dễ bị va vấp, loại cây lá nhiều sẽ dễ rụng đầy sân, bóng râm che khuất khiến nhà thiếu dương quang (ánh sáng mặt trời) từ đó suy ra gia chủ gặp nhiều điều bất lợi.
Như vậy khi chọn mua nhà đất, cần quan sát hướng của cây xanh so với nhà mình. Nếu mặt trước nhà nhìn ra hướng nhiều ánh sáng và gió thì cây trồng cần thưa thoáng để tăng tính dương, như các cây kiểng thấp, cây trồng chậu để dễ di chuyển thay đổi. Ở hướng tây và tây bắc tốt hơn là chọn cây chịu nắng và làm thêm dàn leo để chắn bức xạ gay gắt. Nhà hướng bắc hoặc đông bắc thì cây trồng nên có lá màu sáng để phản xạ thêm ánh sáng, hoặc lá dày, thân chắc để ngăn gió lạnh.
Về không gian sử dụng, nếu muốn trồng cây tạo bóng mát nên chọn các hướng có gió lành kết hợp cây với thảm cỏ. Nếu muốn trồng hoa cảnh – bonsai thì nên bố trí kề cận hàng hiên, hành lang, gần cửa sổ. Những cây như vạn tuế, thiên tuế, trường sinh, bằng phi, kim quít, bách tán… nên đặt tại vị trí trang trọng như trước sảnh, trục chính của nhà, nhưng cần bố trí bồn hay chậu sao cho tránh gây va chạm hàng ngày.
Cây là dương, đón nhận ánh sáng và hút nước từ đất (Âm Thủy), do đó nhìn cây xem được mạch đất tốt xấu chính là nhờ sự liên hệ Thủy Mộc tương sinh. Cây xanh kề cận mặt nước thường là cây thấp (vườn rau, vườn hoa) hoặc cây thân cao ít rụng lá (như cau, dừa nước). Thông thường khi nhà có nhiều nét thẳng vuông thì cây xanh, mặt nước nên bố cục uốn lượn mềm mại.
Không riêng gì cây to, nếu một miệng cống, trụ điện… nằm ngay trước cửa nhà thì cũng gây nhiều khó chịu về thẩm mỹ và sử dụng hàng ngày. Vì thế các khu dân cư mới hiện nay luôn bố trí hố ga, gốc cây, cột điện… tại điểm giữa hai nhà để giảm tác động xấu.