Bạn đang có một khoản tiền nhàn rỗi nhưng băn khoăn không biết việc đầu tư vào bảo hiểm hay gửi ngân hàng lấy lãi thì tốt hơn, hãy cùng tham khảo bài viết sau và đưa ra quyết định nhé.

Bảo hiểm nhân thọ là gì?

Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội đều là một quỹ để phòng ngừa rủi ro.

Nếu bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội do nhà nước quản lý thì bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của những công ty bảo hiểm.

Tại Việt Nam, Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định các công ty bảo hiểm phải có vốn từ 300 đến 1.000 tỉ đồng, phụ thuộc vào loại hình bảo hiểm kinh doanh.

Lợi nhuận của một công ty bảo hiểm đến từ 2 nguồn.

Thứ nhất, bản chất không phải ai đóng bảo hiểm cũng gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau. Vì vậy, việc chi trả số tiền lớn cho các trường hợp rủi ro, không ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm.

Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm được xem là một định chế tài chính. Doanh thu từ bán bảo hiểm có thể đem đi đầu tư, có thể là đầu tư vào thị trường chứng khoán và cũng có thể là đầu tư vào kinh doanh những sản phẩm khác để tiếp tục sinh lợi.

Gửi tiết kiệm ngân hàng khác gì mua bảo hiểm?

Ngân hàng khác với quỹ bảo hiểm, nó không phải là quỹ phòng ngừa rủi ro mà là một định chế tài chính trung gian. Ngân hàng là nơi gặp gỡ giữa người cho vay và người đi vay. Người có tiền đem đi gửi tiết kiệm được xem là bên cho ngân hàng vay và ngân hàng lấy tiền đó cung cấp cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, cung cấp cho các cá nhân cần tiền khác để phục vụ cho mục đích của họ. Ngân hàng chính là tổ chức đứng giữa để hưởng chênh lệch lãi suất.

Cái nào lợi hơn?

Câu trả lời phụ thuộc vào mục đích của mỗi người: Muốn phòng ngừa rủi ro hay hưởng lãi suất?

Theo Business Insider, nếu rơi vào 6 tình huống sau đây, một người nên cân nhắc mua bảo hiểm.

Thứ nhất, khi một cá nhân có người phụ thuộc, chẳng hạn như sinh con hay phải chăm lo cho bố mẹ già.

Thứ hai, khi một cá nhân tự kinh doanh, sở hữu doanh nghiệp nhỏ. Trong trường hợp này, hợp đồng bảo hiểm cũng có thể được sử dụng để thế chấp ngân hàng.

Thứ ba, khi làm việc trong một môi trường nguy hiểm hoặc rủi ro cao.

Thứ tư, khi một người có những sở thích mạo hiểm.

Còn nếu muốn một khoản sinh lời cố định thì nên gửi ngân hàng. Không ai mua bảo hiểm với mục đích sinh lời. Nếu bỏ ra một số tiền lớn để mua bảo hiểm trong một thời gian dài nhưng không bị tai nạn, rủi ro, bệnh tật gì thì khi hết hạn hợp đồng, người mua sẽ được phía công ty bảo hiểm thanh toán tiền.

Ví dụ, sau 10 năm, người mua sẽ nhận lại tổng số tiền đã đóng và một phần lãi suất tính theo lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do ảnh hưởng của lạm phát, giá trị sức mua của khoản tiền đóng bảo hiểm sau 10 năm sẽ không còn như ban đầu.

2

Lãi suất

Tiết kiệm ngân hàng được coi là một hình thức đầu tư tài chính. Mua bảo hiểm là cách dự phòng rủi ro. Do đó, mức lãi suất của hai hình thức này có sự chênh lệch đáng kể.

Nhìn chung, hiện nay lãi suất ngân hàng dao động trong khoảng 6-7% (tùy ngân hàng, tùy kỳ hạn).

Trong khi đó, lãi suất của bảo hiểm nhân thọ thường thấp hơn, khoảng 3-5%/năm (tùy hợp đồng). Tuy nhiên, khách hàng được hưởng nhiều dịch vụ đi kèm.

Xét theo mức độ an toàn

Độ an toàn là tiêu chí mà khách hàng cần cân nhắc trước khi sử dụng bất cứ dịch vụ nào.

Hiện nay, các công ty bảo hiểm được thành lập và hoạt động dựa theo quy định của pháp luật. Vì vậy, tính an toàn của bảo hiểm và gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng được đánh giá là tương đương nhau.

Tất nhiên, độ an toàn của việc gửi tiền ngân hàng hay mua bảo hiểm còn phụ thuộc vào ngân hàng và công ty bảo hiểm mà bạn lựa chọn. Trên thực tế, vẫn có những công ty bảo hiểm lừa đảo và những ngân hàng bị phá sản khiến khách hàng lo lắng, hoang mang. Do đó, bạn cần lựa chọn những đơn vị có uy tín trong ngành, tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi quyết định gửi tiền.

Tính bảo vệ

Đây là mặt mạnh của bảo hiểm. Khi mua bảo hiểm, bạn được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng với các khoản thanh toán lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng khi gặp tai nạn, rủi ro. Số tiền nhận về tùy thuộc vào mức đóng và số năm bạn tham gia bảo hiểm.

Trong khi đó, với việc gửi tiền ngân hàng, bạn chỉ nhận được tiền gốc và một số lãi nhất định.

Nên mua bảo hiểm hay gửi tiết kiệm?

Mỗi hình thức đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Trước khi quyết định sử dụng loại dịch vụ nào, bạn cần cân nhắc xem mục đích của mình là gì.

Nếu đơn thuần chỉ muốn đầu tư sinh lời và có một khoản tiết kiệm phòng thân, bạn hãy chọn gửi tiết kiệm ngân hàng. Nếu muốn đề phòng rủi ro, bất trắc trong tương lai, có thể sử dụng bảo hiểm.

Ngoài ra, cân nhắc vấn đề tài chính là điều vô cùng quan trọng. Nếu nguồn thu nhập không ổn định, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng sẽ phù hợp hơn so với mua bảo hiểm. Như vậy, bạn sẽ có một khoản tiền phòng thân và có thể rút ra bất cứ lúc nào. Nếu thu nhập ở mức cao và ổn định, mua bảo hiểm sẽ giúp bạn an tâm trước rủi ro.

Kết hợp cả gửi tiền tiết kiệm và mua bảo hiểm

Nếu bạn thấy khó khăn trong việc quyết định gửi tiết kiệm hay mua bảo hiểm, hãy nghĩ đến phương án đầu tư cho cả hai. Chia số tiền tiết kiệm của bạn làm 2 phần, một phần gửi ngân hàng, một phần chọn mua gói bảo hiểm phù hợp.

Với cách này, bạn có thể khắc phục nhược điểm, hưởng trọn ưu điểm của cả hai hình thức.

Lưu ý, dù chọn hình thức nào, bạn cũng cần cân nhắc kỹ tình hình tài chính của bản thân, các chương trình tiết kiệm, các gói dịch vụ bảo hiểm. Chọn đơn vị có uy tín, đọc kỹ hướng dẫn và điều khoản trong hợp đồng trước khí thực hiện giao dịch.