Đêm 3/1, rạng sáng 4/1 mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đỉnh với độ dày đặc ấn tượng là 110 sao băng/giờ.

Mưa sao băng Quadrantids đến từ chiếc đuôi đá bụi của tiểu hành tinh 2003 EH1. Tiểu hành tinh này quay quanh Mặt trời mỗi 5,5 năm và các cú tiếp cận gần đã giải phóng khá nhiều vật chất ra không gian, tạo thành một chiếc đuôi dài vĩnh viễn mà mỗi năm vào tháng 1, Trái Đất lại bay ngang, tạo ra mưa sao băng khi các viên đá vũ trụ va chạm với bầu khí quyển.

Cái tên Quadrantids: vốn được lấy từ một chòm sao đã không còn tồn tại tên là Quadrans Muralis, do bị Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) loại khỏi danh sách các chòm sao từ năm 1922.

Tên của mưa sao băng được giữ nguyên, nhưng đôi khi nó cũng được gọi là Bootids, theo tên của chòm sao Boötes (Mục Phu), bởi vị trí xuất phát của mưa sao băng gần chòm sao này. Do đó bạn có thể tìm chòm sao Mục Phu để quan sát mưa sao băng. Các nhà khoa học khuyến cáo nên để mắt làm quen với bóng tối 15-20 phút trước khi quan sát.

Ở một số vùng tại châu Âu được dự đoán Quadrantids năm 2022 sẽ rơi khoảng 50 sao băng/giờ. Trong khi đó, kết quả định vị tại TPHCM dự đoán chúng ta sẽ quan sát được tận 110 sao băng/giờ trong giai đoạn cực đại vào đêm nay, rạng sáng mai.

Trước đó vào đêm 14 rạng sáng 15/12/2021 tại Việt Nam cũng có đêm cực đỉnh của mưa sao băng Geminids.

Không giống như hầu hết các trận mưa sao băng khác có nguồn gốc từ chiếc đuôi đá bụi của sao chổi, Geminids có nguồn gốc đặc biệt là tiểu hành tinh cổ đại 3200 Phaethon, một vật thể từ “thuở hồng hoang” của hệ Mặt Trời.

3200 Phaethon quay quanh mặt trời khoảng 1,4 năm mỗi lần, để lại một chiếc đuôi đá bụi dài sau những lần đến gần Mặt Trời. Mỗi năm vào tháng 12 Trái Đất đi vào chiếc đuôi đá bụi đó, các mảnh vỡ va chạm với bầu khí quyển và tạo ra mưa sao băng.