Hỏi: Tôi từng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng nay mới nghỉ việc. Vậy tôi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 20 năm thì có được lĩnh lương hưu không và lĩnh ở đâu?
BHXH tự nguyện là gì?
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Người dân có nhu cầu mua BHXH tự nguyện thì liên hệ cơ quan BHXH nơi mình cư trú (có thể nơi tạm trú hoặc thường trú) hoặc các đại lý thu BHXH, BHYT (UBND các xã, phường, thị trấn, Bưu điện) để được hướng dẫn thủ tục và lựa chọn mức đóng, phương thức đóng BHXH tự nguyện phù hợp với thu nhập của mình.
Chế độ của BHXH tự nguyện
Theo khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH tự nguyện gồm có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, cụ thể:
– Hưởng lương hưu hàng tháng;
– Nhận trợ cấp một lần;
– Trợ cấp mai táng;
– Trợ cấp tuất một lần;
– Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT.
Mức đóng BHXH tự nguyện
Theo Khoản 2, Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (tương đương 29.800.000 đồng/tháng).
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu, hưởng như thế nào?
Khoản 3 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về nguyên tắc bảo hiểm xã hội như sau:
3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Khoản 2 Điều 2 Quyết định 166/QĐ-BHXH ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định về việc phân cấp giải quyết, chi trả và quản lý người hưởng như sau:
2. Phân cấp chi trả, quản lý người hưởng
2.1. Bảo hiểm xã hội tỉnh
2.1.1. Tổ chức chi trả chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ do bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết; chi hỗ trợ học nghề, hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề;
Chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc, hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ phục hồi chức năng, hỗ trợ huấn luyện An toàn vệ sinh lao động, hỗ trợ điều tra lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phí giám định y khoa; chi các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần kèm theo các khoản trợ cấp một lần (nếu có) theo danh sách do bảo hiểm xã hội tỉnh chi trả,…
2.1.2. Ký hợp đồng chi trả và quản lý người hưởng với Bưu điện tỉnh
a) Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần kèm theo chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng; chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người hưởng đăng ký nhận tại cơ quan bưu điện; chi trợ cấp thất nghiệp bằng tiền mặt cho người lao động.
b) Quản lý người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Thực hiện chế độ báo giảm người hưởng theo quy định.
c) Quản lý, lưu trữ Danh sách chi trả qua tài khoản cá nhân, Danh sách chi trả bằng tiền mặt, Giấy nhận tiền có chữ ký của người hưởng do cơ quan bưu điện chi trả theo đúng quy định của pháp luật.
2.2. Bảo hiểm xã hội huyện
Tổ chức chi trả chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ do bảo hiểm xã hội huyện giải quyết hưởng; chi hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp; chi các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần kèm theo các khoản trợ cấp một lần (nếu có) theo danh sách do bảo hiểm xã hội huyện chi trả.
Như vậy, ông vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí. Thẩm quyền chỉ trả lương hưu được xác định theo quy định pháp luật trích dẫn trên.