Khi dùng điều hòa, bạn cần chú ý đến những điều dưới đây để không lo tiêu tốn nhiều điện và hại sức khỏe.

Không nên thường xuyên đóng kín cửa bật điều hòa

Theo Sức khỏe & Đời sống, BS Yên Lâm phúc cho biết khi sử dụng điều hòa, một trong những nguyên tắc mà nhà nào cũng làm đó chính là đóng cửa thật kín. Đóng kín các cửa sẽ giúp hơi nóng không đi vào trong và hơi mát không thoát ra ngoài. Việc này giúp căn phòng mát nhanh, tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, đóng cửa quá kín cũng không tốt cho sức khỏe. Điều hòa không có chức năng lấy không khí. Nó chỉ giúp thay đổi nhiệt độ trong phòng. Vì thế, sau 2 giờ đóng kín cửa để bật điều hòa, nồng độ oxy trong phòng sẽ giảm đáng kể, cơ thể dễ bị thiếu hụt oxy.

Ngoài ra, một phòng có 4-5 người ở chung lại đóng kín cửa thì khả năng truyền bệnh rất dễ dàng. Điều hòa vốn không không có chức năng khử khuẩn. Chỉ cần một người hắt hơi, sổ mũi là mầm bệnh có thể lây lan trong phòng. Luồng khí đầy rẫy mầm bệnh từ các hạt nước bọt li ti được điều hòa thổi và đưa đi khắp phòng rồi “chia” đủ cho những người trong phòng.

dong-cua-kin-mit-bat-dieu-hoa-01

Theo Nhịp sống Việt, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ nếu phòng điều hòa không có lỗ thông gió hay quạt thông khí thì bạn sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn do tích tụ khí CO2 do không khí trong phòng không được làm mới. Để giải quyết vấn đề này, bạn nên mở cửa 1-2 tiếng/lần hoặc sử dụng quạt thông gió để lấy không khí mới vào phòng, tránh việc bị nhiễm khuẩn ngay trong nhà.

Không nên bật điều hòa 24/24

Kể cả vào những ngày nóng nhất bạn cũng không nên bật điều hòa cả ngày. Như đã nói ở trên việc đóng kín cửa bật điều hòa sẽ khiến không khí trong phòng không được lưu thông. Nếu ở trong phòng kín và sử dụng điều hòa liên tục trong nhiều giờ liền thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng do không có sự trao đổi không khí và độ ẩm giảm đi khá nhiều.

Do đó, vào những thời điểm không quá nóng trong ngày, bạn nên tắt điều hòa, mở cửa và sử dụng quạt để không gian phòng thông thoáng hơn, giúp tiết kiệm điện.

Điều chỉnh nhiệt độ theo thời tiết

dong-cua-kin-mit-bat-dieu-hoa-02

GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội KH&CN Nhiệt lạnh cho biết thông thường điều hòa không khí có dán nhãn tiết kiệm năng lượng có thể giúp tiết kiện 5% điện năng tiêu thụ so với loại thông thường. Nhiều người cho rằng việc sử dụng chế độ hút ẩm (Dry) có thể tiết kiệm điện đến 10% nhưng điều này không đúng. Việc chỉ để chế độ hút ẩm không có nhiều ý nghĩa khi thời tiết nóng bức liên tục trên 35 độ C.

Nhiều người có thói quen để nhiệt độ phòng ở mức thấp nhất để làm mát nhanh rồi tăng nhiệt độ lên. Tuy nhiên, không nên làm như vậy.

Mức nhiệt độ trong phòng không nên chênh lệch quá 10 độ so với nhiệt độ ngoài trời. Ngoài ra, không nên đặt nhiệt độ phòng thấp hơn 20 độ C.

Không tắt/bật điều hòa liên tục

Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần bật điều hòa cho mát phòng rồi tắt đi dùng quạt để tiết kiệm điện. Khi nóng lại bật điều hòa lên. Tuy nhiên, việc này thậm chí còn gây tốn điện hơn cả khi sử dụng điều hòa liên tục. Việc tắt/bật này khiến máy lạnh phải khởi động nhiều gây tốn điện.

Máy lạnh gồm dàn nóng và dàn lạnh. Dàn nóng tiêu thụ nhiều điện hơn (chiếm 95% lượng điện tiêu thụ của máy). Thời gian khởi động cũng là lúc máy hoạt động nhiều với công suất cao để giảm nhiệt độ phòng theo yêu cầu. Sau khi đã đến mức cài đặt, dàn nóng sẽ ngừng hoạt động, chỉ còn quạt gió và động cơ đảo gió tiếp tục chạy. Các dàn lạnh đời mới còn được trang bị tính năng ngắt tự động để tránh lãng phí điện.

Vệ sinh máy định kỳ

Lưới lọc không khí của máy rất dễ bị bám bụi. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, nó có thể làm điều hòa chạy không mát, tiêu tốn nhiều điện hơn.

Nếu gia đình chỉ sử dụng điều hòa trong mùa nóng, bạn chỉ cần vệ sinh điều hòa khoảng 2 lần, vào đầu mùa và cuối mùa nóng. Nếu sử dụng điều hòa liên tục, cả năm thì cần vệ sinh nhiều hơn, khoảng 3 tháng nên làm một lần.