Việc điều chỉnh chế độ điều hòa hợp lý sẽ giúp bạn tiết kiệm điện hơn.
Vào những ngày nắng nóng, sử dụng điều hòa để hạ nhiệt trong phòng là một lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, mỗi chiếc điều hòa đều có rất nhiều chế độ khác nhau và không phải ai cũng nắm hết được tất cả các chế độ này.
Một trong những lời khuyên sử dụng điều hòa tiết kiệm điện mà bạn được nghe thấy nhiều có lẽ là sử dụng chế độ hút ẩm (Dry – hiển thị bằng hình giọt nước trên điều khiển) thay cho làm mát (Cool – thường hiển thị bằng hình bông tuyết trên điều khiển). Vì sao lại như vậy?
Trên thực tế, chế độ làm mát và hút ẩm đều có một tác dụng chung là hạ giảm nhiệt độ căn phòng. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của hai chế độ này lại khác nhau và có những công dụng bổ sung khác.
Chế độ làm mát tập trung vào việc hạ nhiệt của căn phòng xuống một mức nhiệt độ nhất định, theo yêu cầu của người sử dụng.
Khi chế độ này được bật lên, máy sẽ làm việc để hạ nhiệt độ của phòng đúng theo cài đặt và duy trì ở mức ổn định, quạt sẽ chạy liên tục, máy nén bật và chỉ tạm ngưng khi cần nhiệt độ phòng đã đạt mức yêu cầu. Máy nén và quạt sẽ hoạt động trở lại khi không khí trong phòng nóng lên.
Trong khi đó, chế độ hút ẩm tập trung vào việc hút bớt độ ẩm trong căn phòng. Chế độ này được đánh giá là tiết kiệm điện hiệu quả hơn. Khi điều hòa hoạt động ở chế độ này, quạt và các bộ phận bên trong máy vẫn sẽ chạy. Tuy nhiên, giàn lạnh sẽ không thổi ra không khí lạnh như ở chế độ Cool. Không khí kèm hơi nước trong phòng đi qua thiết bị sẽ ngưng tụ lại. Ở chế độ này, điều hòa hoạt động gần tương tự như một chiếc máy hút ẩm (dù không đạt hiệu quả cao bằng máy hút ẩm). Trong quá trình hoạt động, quạt gió sẽ chỉ chạy ở tốc độ thấp và máy nén hoạt động gián đoạn.
Trong những ngày nóng bức, khi độ ẩm càng cao thì cảm giá càng nóng và bí bách. Giảm độ ẩm là một trong những cách hiệu quả để giảm khó chịu.
Lưu ý, tính năng hút ẩm phát huy hiệu quả tốt nhất trong những ngày trời nồm hoặc có mưa ẩm. Bạn sẽ thấy không khí mát hơn do độ ẩm trong phòng giảm thay vì không khí thực sự được làm mát như khi sử dụng chế độ Cool. Ví dụ: Khi đặt ở chế độ Dry với mức nhiệt 25 độ C và độ ẩm trong phòng là khoảng 90%, điều hòa sẽ thực hiện việc làm khô không khí cho đến khi nhiệt độ xuống ngưỡng 25 độ C và dừng lại. Khi độ ẩm tăng cao và nhiệt độ trong phòng tăng trở lại, máy sẽ tiếp tục hoạt động để duy trì độ ẩm cần thiết.
Do ở chế độ Dry, máy nén chỉ hoạt động để ngưng tụ hơi ẩm nên điều hòa ít gây ồn và ít tốn điện hơn khi đặt ở chế độ Cool.
Tuy nhiên, vào những ngày trời quá oi bức hoặc độ ẩm không khí thấp, chế độ Dry sẽ không mang lại hiệu quả làm mát cần thiết và có thể khiến người ở trong phòng cảm thấy khô quá mức, gây khô da, khó chịu về đường hô hấp…
Nếu độ ẩm trong phòng cao hơn 70%, bạn có thể sử dụng chế độ Dry. Nếu độ ẩm dưới 60%, bạn nên sử dụng chế độ làm mát thông thường.
Ở Việt Nam, bạn có thể sử dụng chế độ Dry vào mùa nồm hoặc mùa mưa. Khi không khí hanh khô, tốt nhất không nên sử dụng chế độ làm khô này.