Đối với những trường hợp người nhiễm COVID-19 (F0) có những triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện điều trị, cách ly tại nhà thì có được hưởng chế độ ốm đau không?

Liên quan đến vấn đề trên, cơ quan BHXH TP.HCM cho biết tại Điều 25 Luật BHXH quy định khi gặp vấn đề về sức khỏe, NLĐ được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đủ các điều kiện như NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc và bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động, phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Như vậy, trường hợp NLĐ nhiễm COVID-19 đang đóng BHXH và điều trị tại nhà thì được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Về quy định cấp xác nhận, theo công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh thì NLĐ là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017.

f0-tai-nha-1644941146612196937686

Theo đó, ngày 2-12-2021, Sở Y tế TP.HCM có Công văn số 9000, yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, trạm y tế… chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy xác nhận theo đúng quy định tại Thông tư 56/2017.

Công văn 9000 của Sở Y tế hướng dẫn trong trường hợp trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám chữa bệnh”. Đơn vị chủ quản là trung tâm y tế chịu trách nhiệm đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền cho trạm y tế.

Như vậy, khi NLĐ là F0 đã hoàn thành điều trị, cách ly tại nhà thì sẽ liên hệ với trạm y tế phường, xã để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, NLĐ nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để được hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Mức hưởng chế độ ốm đau

Sau khi nhận hồ sơ từ NLĐ, doanh nghiệp sẽ lập thêm Mẫu số 01B-HSB và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan BHXH.

Theo quy định tại Điều 28 Luật BHXH, mức hưởng chế độ ốm đau được tính như sau: NLĐ nghỉ ốm đau dưới 30 ngày, mức hưởng tính bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

F0 nào được điều trị tại nhà?Theo “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” ban hành kèm theo tại Quyết định 261/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện sau đây:

– Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;

– Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

– Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Cùng đó người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.