Để hỗ trợ quá trình điều trị ho, bạn có thể sử dụng một số nguyên liệu có sẵn trong nhà, đảm bảo an toàn mà vẫn đem lại hiệu quả tốt.
Trị ho bằng tỏi mật ong
Tỏi và mật ong là hai dược liệu được xem như kháng sinh tự nhiên, có thể sử dụng để trị ho rất an toàn và hiệu quả.
BS CKI. Nguyễn Trần Như Thủy – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tỏi là gia vị quen thuộc, luôn có trong căn bếp của mỗi nhà. Ngoài ra, nó còn được sử dụng như một vị thuốc với nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, tỏi có vị cay, thơm nồng, tính nóng, là vị thuốc thuần dương, tác dụng tăng cường chính khí, trị cảm lạnh, tiêu chảy do hàn, tỳ nục.
Theo y học hiện đại, tỏi có tác dụng trị cảm cúm, tăng cường miễn dịch, giảm mỡ máu, hạ huyết áp….
Hiện nay, tỏi được bào chế thành nhiều chế phẩm khác nhau để tiện sử dụng trong cuộc sống như bột tỏi dùng để nấu ăn, viên nang mềm chứa dầu tỏi để uống…
Mật ong cũng là thực phẩm tốt cho sức khỏe, giàu vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn chặn virus xâm nhập… Các axit amin trong mật ong có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đường hô hấp như ho khan, ho có đờm; diệt virus, vi khuẩn… Mật ong còn có khả năng thúc đẩy sự hình thành tế bào mới, làm các tổn thương niêm mạc hỏng nhanh lành.
Để trị ho, bạn có thể sử dụng tỏi và mật ong theo những cách sau:
Tỏi hấp mật ong trị ho
Nguyên liệu cần có: 1 củ tỏi tươi, mật ong nguyên chất.
Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, cắt đôi (hoặc cát lát) rồi cho vào bát. Đổ ngập mật ong và bỏ bát vào nồi chưng cách thủy 20 phút. Lấy ra để nguội và dùng 3 lần/ngày, sử dụng trước khi ăn 15 phút trước khi ăn.
Tỏi ngâm mật ong trị ho
Nguyên liệu cần có: Tỏi tươi, mật ong nguyên chất.
Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, để ráo nước. Bỏ tỏi vào bình thủy tinh. Đổ mật ong cho ngập tỏi và đậy nắp kín. Ngâm 2 tuần là có thể dùng được, ngày sử dụng 2 lần.
Để rút ngắn thời gian ngâm, bạn có thể đập dập tỏi rồi mới đổ mật ong. Sau 3 ngày là có thể dùng được.
Mỗi lần dùng lấy 3 thìa tỏi ngâm mật ong pha với nước ấm. Uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.
Lưu ý khi trị ho bằng tỏi mật ong
BS Thủy cho biết khi dùng tỏi tươi, bạn nên nghiền, băm nhỏ hoặc đập nát trước khi sử dụng để phát huy hết công dụng của tỏi. Hoạt chất allicin trong tỏi tạo ra mùi của tỏi. Một số sản phẩm không có mùi tỏi sẽ dễ dùng hơn nhưng nhiều khả năng sẽ kém tác dụng, trừ các viên nang tinh dầu.
Thời gian sử dụng chỉ nên từ 3-5 ngày, thường không quá 1 tuần.
Ngoài ra, bác sĩ đưa ra lưu ý, trẻ em không nên sử dụng tỏi dài ngày để tăng cường sức đề kháng dù ở dạng nào. Theo quan niệm của Đông y, trẻ con thuần dương vô âm. Nếu sử dụng thuốc có tính dương, tính nhiệt như tỏi trong thời gian dài có thể làm vượng phần dương, gây tổn thương phần âm từ đó làm hại đến chính khí của cơ thể. Khi đó, trẻ càng dễ mắc bệnh, cơ thể nóng và mất nhiều tân dịch hơn. Hơi thở của trẻ cũng có mùi khó chịu và vị giác của bé sẽ kém hơn.
Với người lớn, để đảm bảo an toàn cũng cần có sự tham vấn của chuyên gia y tế về liều dùng và thời gian sử dụng; đặc biệt là với những người có bệnh lý mạn tính và đang dùng thuốc điều trị.
Một số cách sử dụng tỏi để trị bệnh khác
Dạng nước tỏi
Lấy 2-3 tép tỏi, đập dập, cho vào bát và thêm nước (lượng nước gấp 3-4 lần lượng tỏi). Cho một ít đường phèn hoặc mật ong và đem hấp cách thủy 10-15 phút. Uống nước tỏi hấp khi còn ấm. Ngày sử dụng 2-3 lần.
Xông mũi họng bằng tỏi
Đun sôi khoảng 400ml nước. Bỏ 3-4 tép tỏi đã đập dập vào và xông mũi họng trong khoảng 10-15 phút.
Khi mới xông, chỉ nên xông ít (khoảng 2-3 tép tỏi) và xông trong thời gian ngắn từ 5-10 phút. Khi đã quen có thể tăng thời gian xông lên.
Bạn cũng có thể thay thế tỏi tươi bằng viên tinh dầu tỏi. Dùng kim sạch trích lấy khoảng 8-10 giọt tinh dầu tỏi vào 400ml nước nóng. Dùng nước này để xông mũi họng.
Dung dịch thấm
Tỏi đem ép lấy nước và pha với mật ong theo tỷ lệ 1 phần nước tỏi : 2 phần mật ong. Dùng gạc (bông gòn) sạch thấm vài giọt dung dịch và nhét vào mũi, ngày làm 1-3 lần.
Khi làm, phải sử dụng dụng cụ sạch, không nhiễm bẩn. Lưu ý, không đẩy gạc vào sâu trong mũi; cần sử dụng gạc to vừa đủ lỗ mũi để tránh làm tổn thương, trầy xước niêm mạc mũi.
Phương pháp này hạn chế sử dụng với trẻ dưới 6 tuổi.