Sau khi khỏi bệnh, do lo ngại bị hậu Covid nên nhiều người đi khám, chụp chiếu tìm xơ phổi. Tuy nhiên điều này có thật sự cần thiết?

Hiện nay, số lượng F0 vẫn tăng cao không ngừng. Đặc biệt, trên mạng rất nhiều những thông tin như bệnh nhân đã âm tính bị hậu Covid dẫn tới xơ phổi, điều này khiến nhiều cựu F0 sợ hãi.

Chi mạnh tay để khám hậu Covid-19

Gia đình chị Nguyễn Thị Lan – Linh Đàm, Hà Nội, nhiễm Covid-19 từ đầu tháng 3. Một tuần sau, cả nhà âm tính nhưng mỗi thành viên lại có một vấn đề về sức khoẻ khác nhau. Bản thân chị Lan thì thường xuyên mệt mỏi, mất ngủ, ho khan. Chồng chị cũng bị mất ngủ, mệt mỏi, hụt hơi. Bình thường, hai vợ chồng chị chạy bộ được 5 km nhưng sau khi mắc Covid-19 thì chỉ cần đi bộ được 1 – 2 km đã thấy mệt, thở không ra hơi.

Đặc biệt, hai con của chị Lan rơi vào tình trạng chán ăn. Bé gái lớn 11 tuổi thường xuyên than thở đau bụng. Mỗi lần thấy con ôm bụng, chị Lan lại sốt ruột. Bé nhỏ thì bị ho.

Cả nhà chị bắt đầu đi tầm soát hậu Covid-19. Chị cho rằng cứ đi khám cho chắc để tìm xơ phổi. Kết quả chụp CT phổi cho thấy có điểm mờ trên phổi, nghĩa là phổi có tổn thương. Bác sĩ khuyên chị Lan về nhà tập thở nhiều hơn. Chồng chị Lan thì không có bất thường ở CT phổi nhưng thi thoảng anh vẫn thấy hơi khó thở.

Hai con nhỏ của chị, một cháu rối loạn tiêu hoá, một cháu viêm họng cấp. Chị Lan chi gần 20 triệu đồng để cả nhà cùng đi tầm soát hậu Covid-19. Chị cho rằng dù tốn kém cũng phải chấp nhận.

Hiện nhu cầu tầm soát hậu Covid-19 tăng cao. Các bệnh viện tư, các phòng khám cũng đua nhau mở các gói tầm soát hậu Covid-19 với giá từ vài trăm nghìn tới hàng chục triệu đồng. Ví dụ, tại một bệnh viện tư trên phố Hàn Thuyên, Hà Nội, gói tầm soát hậu Covid-19 có giá 495 nghìn đồng/người. Người bệnh sẽ được khám, tư vấn và truy tìm biến chứng hậu Covid-19.

Nhiều bệnh viện khác có gói cao cấp hơn với hàng loạt các quảng cáo như miễn phí khám ban đầu và giảm 20% phí xét nghiệm, chụp chiếu cho người đến khám hậu Covid-19.

Nhiều nơi còn giảm giá 20% gói khám hậu Covid-19 và giảm tiếp 20% các chỉ định cận lâm sàng khác nếu có phát sinh ngoài gói. Nhiều bệnh viện giảm mạnh tới 30%.

Trước đó, các bệnh viện, phòng khám tại TP.HCM cũng nở rộ dịch vụ gói khám hậu Covid-19. Ngay trong tháng 1/2022, Sở Y tế TP.HCM đã phải ra văn bản “tuýt còi” các cơ sở y tế đua nhau mở gói khám hậu Covid-19.

11

Ai cần khám hậu COVID?

Theo các chuyên gia, việc khám hậu Covid-19 không phải dành cho tất cả mọi người. PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y học Công cộng – Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết hậu Covid-19 đã được ghi nhận và có xảy ra. Tuy nhiên, chỉ những người có bệnh nền, bệnh nặng khi mắc Covid-19 phải can thiệp thở oxy, thở máy mới cần khám hậu Covid-19, theo PGS Dũng.

PGS Dũng cho biết người trẻ khoẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì không cần khám hậu Covid-19. Hơn nữa, nếu bạn đi khám mà chụp CT tìm biến chứng xơ phổi, sẹo phổi thì cũng không có giá trị về mặt điều trị. Lý do là các tổn thương này nếu tự lành được thì sẽ lành, còn nếu là sẹo khó phục hồi hơn thì cả người bệnh và bác sĩ đều không làm được gì hơn.

PGS Hoàng Bùi Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai, Hà Nội – cho biết virus chỉ tấn công hệ hô hấp mũi, họng, không xuống phổi thì không thể gây xơ phổi hay đông đặc phổi. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại nguy cơ xuất hiện cục máu đông sau khi mắc Covid-19. PGS Hải cho rằng đó là câu chuyện của các biến thể cũ và khi chưa tiêm vắc-xin.

Hiện nay, giai đoạn cấp tính Covid-19 được tính là 1 tháng. Vì vậy, các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh, ho trong 1 tháng đầu là hoàn toàn bình thường và sẽ bình phục dần theo thời gian. Nếu mới khỏi Covid-19 được 1 tuần đã lo hậu Covid-19 đi khám ngay thì không đúng.

Nhóm nguy cơ cao mắc các triệu chứng hậu Covid-19 là người phải nằm viện vì Covid-19; người có nhiều hơn 5 triệu chứng như ho, khó thở, tiêu chảy, chóng mặt, đau tức ngực… ngay trong tuần đầu tiên khi mắc bệnh; người có bệnh nền, người trên 65 tuổi mắc Covid-19. Đây mới là những đối tượng cần khám hậu Covid-19 – BS Hải khuyến cáo.