Rất nhiều người khi trở thành F0 nhưng lại không biết mình nhiễm chủng nào trong 2 chủng Delta và Omicron.

Bài viết dưới đây của bác sĩ Sanjaya Senanayake, Phó Giáo sư Y khoa, Bác sĩ Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Úc sẽ giúp bạn có được câu trả lời.

Khả năng lây nhiễm

Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) là một thước đo khả năng lây nhiễm của virus. R0 là số người trung bình mà một người bị nhiễm SARS-CoV-2 truyền virus cho khi không có miễn dịch hoặc các biện pháp phòng dịch.

Các nhà nghiên cứu Đan Mạch ước tính R0 của Omicron cao gấp 3,19 lần so với Delta. Delta có R0 trung bình là 5 (dao động từ 3,2 đến 8).

Tương tự, nghiên cứu của Nhật Bản kết luận Omicron có khả năng lây nhiễm cao gấp 4,2 lần so với Delta.

Như vậy, trong một quần thể nhạy cảm (chưa tiêm chủng và chưa bị nhiễm bệnh), trung bình một người nhiễm Delta sẽ lây nhiễm cho 5 người khác, trong khi một người nhiễm Omicron có thể truyền virus cho khoảng 20 người khác.

Điều này làm cho Omicron trở thành một trong những biến thể có khả năng lây nhiễm cao nhất được biết đến.

Một chỉ số khác về khả năng lây nhiễm của virus là mức độ lây lan trong các hộ gia đình. Đây được gọi là tỷ lệ tấn công thứ phát.

Các nghiên cứu từ nhiều quốc gia đã liên tục cho thấy Omicron có tỷ lệ tấn công thứ phát trong hộ gia đình cao hơn so với Delta. Trong một hộ gia đình có người nhiễm Omicron, các thành viên còn lại có 14-50% nguy cơ bị nhiễm bệnh.

5

Tại sao Omicron dễ lây nhiễm hơn?

Các đột biến đa dạng của Omicron cho phép nó tránh được khả năng miễn dịch được tạo ra bởi việc từng nhiễm bệnh và tiêm chủng trước đó.

Các nghiên cứu cũng cho thấy Omicron lây nhiễm và nhân lên ở đường hô hấp trên nhanh hơn 70 lần so với Delta.

Có vẻ như cũng có nhiều trường hợp nhiễm Omicron không triệu chứng. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây truyền vì mọi người không biết mình bị nhiễm bệnh và vẫn hoạt động, đi lại bình thường.

Thời gian ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh của Omicron – khoảng thời gian từ khi nhiễm virus đến khi có triệu chứng – là khoảng ba ngày. Người bệnh thường bị lây nhiễm một hoặc hai ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Thời gian ủ bệnh của Omicron ngắn hơn Delta và các biến thể trước đó.

Ngoài ra, thời gian người nhiễm Omicron bị ốm trung bình cũng ngắn hơn Delta. Con số này của Omicron là 5 ngày và của Delta là 6 ngày.

Triệu chứng Omicron và Delta khác nhau thế nào?

Năm triệu chứng phổ biến nhất của Delta và Omicron là:

– sổ mũi

– đau đầu

– mệt mỏi

– hắt xì

– viêm họng.

So với Delta, Omicron có nhiều khả năng gây đau họng hơn và ít gây mất vị giác hoặc khứu giác hơn.

Ở trẻ em, Omicron có thể có nhiều khả năng gây ra viêm cấp tính đường hô hấp trên và dưới hơn so với các biến thể khác, dẫn đến ho có tiếng đặc biệt.

Có phải Omicron ít gây bệnh nặng hơn Delta?

Đúng, Omicron ít gây bệnh nặng hơn Delta. Nguyên nhân một phần có thể là do Omicron ít có khả năng lây nhiễm vào phổi hơn vì nó chủ yếu lây nhiễm ở đường hô hấp trên.

Nguy cơ nhập viện và nhập ICU (đơn vị chăm sóc đặc biệt) của Omicron thấp hơn 40-80% so với Delta. Nguy cơ tử vong của Omicron thấp hơn khoảng 60% so với Delta.

Tuy nhiên, làn sóng ca bệnh Omicron ở nhiều quốc gia có liên quan đến tăng tỷ lệ nhập viện vì số lượng người mắc COVID-19 tăng cao.

Nhưng tin vui là làn sóng ca bệnh Omicron ở nhiều quốc gia đã đạt đỉnh trong vòng vài tuần, với số ca nhập viện và số ca nhiễm nhanh chóng giảm xuống.

Bạn có thể tái nhiễm COVID-19 không?

Có, những người đã từng nhiễm các biến thể trước vẫn có nguy cơ bị nhiễm Omicron, đặc biệt là ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Một nghiên cứu phân tích 116.683 ca bệnh trong thời gian đầu của làn sóng Omicron của Vương quốc Anh cho thấy 9,5% trường hợp nhiễm Omicron là tái nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, còn quá sớm để đưa ra kết luận về nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron hai lần.

Hai liều vaccine có hiệu quả như thế nào?

Sau 20 tuần (khoảng 5 tháng), hai liều vaccine mRNA (Pfizer hoặc Moderna) chỉ cung cấp khoảng 10% khả năng bảo vệ trước nguy cơ nhiễm Omicron.

Sau 20 tuần, hai liều AstraZeneca về cơ bản không còn tác dụng bảo vệ chống lại nhiễm Omicron.

Tuy nhiên, hai liều vaccine vẫn ngăn ngừa được bệnh nặng, với hiệu quả vaccine chống lại việc nhập viện do Omicron lên đến 35% trong sáu tháng sau khi tiêm. Còn hiệu quả của hai liều vaccine chống lại việc nhập viện do Delta cao gấp đôi so với Omicron.

Ba liều vaccine có hiệu quả như thế nào?

Một liều vaccine tăng cường giúp cải thiện khả năng bảo vệ chống lại Omicron. Ít nhất 10 tuần sau khi tiêm liều tăng cường, hiệu quả của vaccine chống lại nhập viện là 83%.

Khả năng bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng cũng tăng lên. Hiệu quả của vaccine là 65-75% từ hai đến bốn tuần sau khi tiêm liều tăng cường, giảm xuống còn 45-50% trong 10 tuần sau khi tiêm tăng cường.

Pfizer và Moderna cũng đã phát triển một loại vaccine đặc hiệu dành cho Omicron mà họ sắp thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng và có thể sẽ có mặt trên thị trường vào nửa cuối năm 2022.