Nhiều người truyền tai nhau rằng khi bị tái nhiễm Covid-19, các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn lần nhiễm bệnh đầu tiên, vậy điều này có đúng không?

Tỷ lệ tái nhiễm là bao nhiêu?

Hiện nay, bên cạnh nỗi lo nhiễm Covid-19 thì người dân cũng đau đầu vì hậu covid và vấn đề tái nhiễm. Tỷ lệ tái nhiễm ngày càng tăng, thậm chí ở một số bệnh nhân, lần tái nhiễm sau còn nặng hơn lần trước. Chị Vũ Minh Hằng – Hà Nội chia sẻ câu chuyện của mình.

Khi dương tính với Covid-19, chị Hằng bị sốt 3 ngày, người mệt và tới 10 ngày sau mới âm tính. Sau đó, chị bị ho kéo dài hơn 2 tuần nên chị rất sợ bị nhiễm bệnh một lần nữa. Vì vậy, chị còn phòng bệnh kỹ hơn so với trước đây.

Không chỉ lo lắng, chị Hằng còn tìm hiểu về tái nhiễm để mình không bị “đánh úp” như lần 1.

Theo BS. Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, một người đã từng nhiễm Delta vẫn có thể tái nhiễm Omicron với tỷ lệ 5 – 10% nhưng các triệu chứng có thể nhẹ hơn.

Bởi lẽ khi đã từng mắc Covid-19, cơ thể người bệnh sẽ có một lượng kháng thể nhất định để chống lại virus. Với người đã nhiễm biến thể Omicron thì nguy cơ tái nhiễm Delta sẽ ít hơn. Trên thực tế, biến thể Omicron cũng đang dần thế chỗ Delta.

Bác sĩ Khanh lưu ý, người bệnh cần phân biệt tái nhiễm với tái dương tính. Tái dương tính là khi người bệnh đã xét nghiệm âm tính và không còn triệu chứng nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó lại dương tính trở lại khi xét nghiệm bằng PCR. Trường hợp tái dương tính này là do xác virus, không gây lây nhiễm trong cộng đồng và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

2

4 việc cần làm để phòng tránh tái nhiễm  

Theo BS. Khanh, điều cần làm trong lúc này là bảo vệ đối tượng nguy cơ, hạn chế sự lây lan cho nhóm này, đồng thời bảo đảm cho họ tiếp cận được sớm nhất với các phương pháp điều trị phù hợp khi họ mới nhiễm bệnh.

Đồng thời, cũng cần hạn chế tốc độ lây lan ở môi trường làm việc bằng cách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên,…. Omicron vẫn đang là một ẩn số rất lớn và có thể gây nguy hiểm cho nhóm người già, người mắc bệnh mạn tính.

TS. Phạm Hùng Vân – Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TP.HCM cho biết, đã nhiễm Delta trước đây và nếu tái nhiễm Omicron thì triệu chứng thường nhẹ hơn. Người bệnh có thể vẫn bị sốt, đau họng, nhức mỏi người, nhưng các triệu chứng này thường không kéo dài quá 2 ngày. Về điều trị thì không khác nhau vì nguyên tắc vẫn là điều trị dựa trên các triệu chứng và chú ý bồi dưỡng cơ thể, uống thêm vitamin D.

Theo TS. Vân, người bệnh chỉ uống thuốc kháng virus như Molnupiravir hay Favipiravir nếu thuộc nhóm có nguy cơ bệnh sẽ diễn tiến nặng như người già, người bị bệnh tiểu đường,… Thuốc kháng đông và Corticoid cũng chỉ sử dụng khi có dấu hiệu bệnh chuyển nặng và phải được chỉ định của bác sĩ.

TS. Vân cảnh báo mọi người không nên có tâm lý cố tình nhiễm Omicron vì cho rằng nó là biến thể gây bệnh nhẹ. Omicron vẫn là một biến số khó lường, không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ không bị bệnh nặng. Hơn nữa, biến mình thành người nhiễm bệnh chính là biến mình thành mối nguy cho cộng đồng và đặc biệt là cho những đối tượng dễ bị tổn thương.

Ts. Vân cho rằng những việc cần làm để mỗi người tự bảo vệ mình và gia đình trước làn sóng Omicron tại Việt Nam hiện nay đó là:

+ Đi tiêm chủng vaccine ngay khi đủ điều kiện.

+ Tránh nhiễm bệnh và làm lây lan bệnh bằng cách duy trì đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, tránh tụ tập đông người, tự mình tránh tiếp xúc với người khác nếu đang bị nhiễm bệnh.

+ Nếu bị nhiễm bệnh, mọi người nên chú ý bồi dưỡng sức khỏe qua dinh dưỡng và chỉ nên uống thuốc kháng virus hay kháng đông đúng chỉ định của bác sĩ.

+ Vứt khẩu trang theo đúng quy định, không vứt bừa bãi để tránh lây lan dịch bệnh và bảo vệ môi trường.